Về với gia đình - Hector Malot (trích)
Một tác phẩm ít được biết đến hơn trong sự nghiệp của Hector Malot
Hector Malot (1830–1907) là nhà văn Pháp nổi tiếng với các tác phẩm viết về thiếu nhi, gia đình và hành trình tìm kiếm tình thân, mà tiêu biểu nhất là Sans Famille (Không Gia Đình). Tuy ít được biết đến rộng rãi như Sans Famille, tiểu thuyết Romain Kalbris (bản dịch: Về với gia đình) (xuất bản lần đầu năm 1869) lại mang đậm dấu ấn riêng, thể hiện rõ phong cách kể chuyện giàu tính nhân văn của Hector Malot so với những tác phẩm đầu tay.
Romain Kalbris (Về với gia đình) lấy bối cảnh vùng biển nước Pháp, nơi cậu bé Romain – nhân vật chính – lớn lên trong môi trường gần gũi với biển cả. Sau khi cha mất, Romain được gửi đến một người họ hàng, nhưng do không chịu nổi sự đối xử tàn ác, cậu đã trốn vào rừng, sống cuộc đời hoang dã. Câu chuyện phiêu lưu của cậu bé nghèo khổ bắt đầu, đưa độc giả vào “trường đời” của Romain, qua đó thấy được khát khao khám phá thế giới, chinh phục thử thách và tìm kiếm một chỗ dựa tinh thần vững chắc giữa bao biến cố.
Cuốn sách từng có một bản dịch cua dịch giả Hà Mai Anh, theo phong cách diễn quốc âm truyền thống, ví dụ Port Dieu được dịch thành Thiên Cảng, Romain là Do-Mạnh. Bản dịch mới cố gắng tái thiết giai điệu riêng của Hector Malot
Dưới đây là Chương đầu của bản dịch mới do Thuý An chuyển ngữ:
Gửi vợ Anna Malot,
Nếu một ngày, con gái chúng ta bắt đầu lớn lên và vì tính tò mò trẻ thơ muốn được giải thích mọi điều, con sẽ hỏi em rằng: “Ba làm gì trong khi khóa trái phòng để viết vậy?” Thật tốt nếu em có thể làm thỏa mãn trí tò mò của con. Quyển sách này sẽ là câu trả lời của em. Khi nhìn thấy tên em ở trang đầu tiên, cạnh tên của anh, con sẽ hiểu rằng hai cái tên này không thể tách rời nhau trong cả tâm hồn lẫn trong trái tim.
Hector Malot.
Chương 1
Trông vào địa vị của tôi bây giờ, chớ vội kết luận rằng tôi là người tốt số. Nếu tôi không xuyên tạc thì tổ tiên của tôi là những ngư dân; bố tôi là con út trong gia đình có mười một người con, ông nội tôi đã rất vất vả để nuôi được gia đình, vì công việc này so với các công việc khác, tiền kiếm được không xứng với công sức bỏ ra: khó nhọc và hiểm nguy cầm chắc nhưng chút tiền thu được lại do may rủi.
Khi cha tôi mười tám tuổi, ông phải đăng ký vào hải quân; đó là một hình thức trưng binh qua đó Nhà nước yêu cầu tất cả những người đi biển phải phục vụ trong một thời hạn là ba mươi hai năm - từ mười tám đến năm mươi tuổi. Cha tôi khi đi không biết đọc cũng không biết viết. Kết thúc thời gian phục vụ, ông trở về được đóng Cai Nhất, cấp bậc cao nhất mà những người không qua trường lớp có thể đạt được.
Vùng đất Port-Dieu của chúng tôi nằm gần các hòn đảo thuộc Anh. Nhà nước đã đặt ở đó một chiếc tàu chiến, nhiệm vụ của nó là ngăn ngừa những người dân đảo Jersey đến đánh cá ở hải phận của chúng tôi, đồng thời cũng buộc những người đi biển phải tuân thủ các luật lệ về đánh bắt. Chính cha tôi đã được bổ nhiệm về làm việc trên chiếc tàu chiến này. Đó là một ân huệ vì dù đã quen lấy con tàu làm quê hương của mình nhưng ai trong đáy lòng cũng thích được trở về nhà.
Ông trở về được mười lăm tháng thì tôi ra đời. Hôm đó là ngày thứ Sáu, tháng Ba, ngày trăng tròn, người ta tiên đoán rằng số tôi sẽ phiêu lưu, phải đi biển và gặp bất hạnh, nếu ảnh hưởng của mặt trăng không chống lại nổi ảnh hưởng của ngày thứ Sáu. Đúng thật là tôi đã trải qua những cuộc phiêu lưu đó và muốn kể cho các bạn nghe đây; những chuyến hải trình mà tôi đã đi; còn sự đối nghịch giữa ảnh hưởng của mặt trăng và ngày thứ Sáu rất gay gắt; chính bạn sẽ là người nói cho tôi biết sau khi nghe hết chuyện tôi kể rằng thế lực nào sẽ giành chiến thắng.
Lời tiên đoán rằng tôi sẽ trải qua những cuộc phiêu lưu và những chuyến hải trình tức là công nhận tôi đúng là đứa con của gia đình vì tất cả những người họ Kalbris nhà tôi, cha truyền con nối, đều là thủy thủ và thậm chí là, nếu tục truyền không sai, đã từng lập nghiệp từ hồi chiến tranh thành Troie. Tất nhiên không phải là chúng tôi tự nhận mình có gốc tích ấy mà là các học giả cho rằng ở Port-Dieu có khoảng một trăm gia đình - chính xác là gia đình các thủy thủ - là hậu duệ của người Phénicie phiêu dạt. Điều chắc chắn là mắt chúng tôi đen, da nâu sẫm, mũi nhỏ, khác hẳn người Normandy hay Bretagne và thuyền đánh cá của chúng tôi phỏng đúng theo chiếc thuyền Ulysse mà Homère đã tả: chỉ có một cột buồm với một cánh buồm hình vuông, kiểu thuyền này rất thông thường ở Archipel, nhưng lại độc nhất ở biển Manche.
Đối với chúng tôi, ký ức về các cụ không có mấy, cụ nào cũng như cụ nào làm cho chúng tôi lẫn lộn hết cả; khi người ta kể về một cụ, câu chuyện không được đa dạng cho lắm: thiếu thời người ở trên biển hay ở bên kia bờ biển, chỗ những bộ tộc có tên rất khó nhớ, và người chết trong một vụ đắm tàu, trong các cuộc chiến, trên bến nổi của người Anh; những bia mộ trong nghĩa địa mang tên một người con gái hay một người đàn bà góa thì nhiều còn những bia mộ mang tên một người con trai hay một người đàn ông thì ít lắm vì họ đã không chết ở quê hương. Tuy nhiên, cũng giống như tất cả các gia đình khác, chúng tôi cũng có những vị anh hùng của mình: một là ông ngoại đã từng là chiến hữu của Surcouf; một vị nữa là ông họ Flohy. Ngay khi tôi hiểu ra những gì mọi người nói xung quanh thì tôi nghe tên ông được nhắc đi nhắc lại đến mười lần; ông đã từng phục vụ quốc vương Ấn Độ, người có rất nhiều voi; ông đã chỉ huy toán quân chống lại quân Anh, và ông có cánh tay bằng bạc; những thớt voi, một cánh tay bằng bạc, đây không phải chuyện hoang đường.
Dòng họ Kalbris bẩm sinh thích phiêu lưu mạo hiểm. Chẳng thế mà cha tôi lại tái đăng hải dịch sau khi lập gia đình được vài năm; ở vị trí phó thuyền trưởng ông có thể chỉ huy một trong những con thuyền buồm, mỗi năm cứ vào mùa xuân là khởi hành đi đánh cá ở Islande; ông được phục vụ cho nước nhà và ông thích điều đó.
Tôi không nhớ rõ lúc cha lên đường. Ký ức của tôi về thời bấy giờ là những ngày gió bão, những cơn dông trong đêm và những giờ đồng hồ tôi ghé qua bưu điện.
Bao nhiêu đêm mẹ bảo tôi cầu nguyện trước giá đèn cầy mẹ thắp! Đối với chúng tôi, cơn bão ở Port - Dieu là cơn bão có ở khắp nơi và trận gió làm rung lắc ngôi nhà của chúng tôi dường như cũng rung lắc luôn cả con tàu của cha tôi. Nhiều khi gió thổi mạnh quá đến mức mẹ phải đứng dậy để cài lại cửa sổ vì ngôi nhà của chúng tôi là ngôi nhà của những người nghèo; mặc dù được che chở bởi một bên là dốc và bên kia là cái mui tàu còn trơ ba cột buồm, ngôi nhà khó chống cự trước những cơn gió lốc của những ngày giao mùa. Một đêm tháng Mười, mẹ gọi tôi dậy: bão tố khủng khiếp, gió rít mạnh, ngôi nhà rung lên và trận cuồng phong làm cây đèn cầy chao đảo rồi tắt lịm; trong lúc ngớt gió, chúng tôi nghe thấy trận chiến giữa sóng và những viên đá cuội, như những tiếng nổ đùng đùng, những đợt sóng lao vào những hố mòn của vách đá. Mặc những tiếng động kinh khủng này tôi vẫn vừa quỳ vừa ngủ lúc nào chẳng hay: bỗng nhiên cửa sổ bị bung khỏi then cài và bị vỡ tan ra thành trăm mảnh trong căn phòng, tôi có cảm giác bị cuốn đi trong cơn lốc xoáy.
Mẹ tôi kêu lên: “Chúa ơi, cha con bị mất tích rồi!”
Bà hay tin vào điềm lạ và lời cảnh báo huyền bí; lá thư bà nhận từ cha tôi vài tháng trước đêm dông bão này làm cho lòng tin của bà càng mãnh liệt; bằng một sự trùng hợp lạ kỳ, như là điềm báo, cũng vào tháng Mười trước, cha tôi gặp một trận bão lớn và suýt nguy. Giấc ngủ của vợ một người thủy thủ chẳng bao giờ ngon: ác mộng đắm thuyền, chờ mãi một lá thư chưa tới và cuộc đời của bà chỉ quanh quẩn trong hai mối lo lắng đó.
Vào thời điểm tôi nói tới thì dịch vụ chuyển phát thư không được như bây giờ; người ta chỉ phát thư ở bưu điện, và khi người nhận thư tới lấy quá muộn thì người ta sẽ gửi qua một đứa trẻ ở trường học. Ngày nào có thư từ Terre-Neuve về, bưu điện chính là nơi tụ họp vì từ mùa xuân tới mùa thu tất cả các ngư dân đều lên đường đi đánh cá tuyết và một người lạ khi đặt chân tới xứ sở này có thể tin rằng mình đang ở hòn đảo mà Aristote từng nói tới: nơi đây vắng bóng những người đàn ông và chỉ có những người phụ nữ nóng lòng mong tin.
Những người phụ nữ bế con trên tay và chờ người ta gọi đến tên. Có những người vừa cười vừa đọc, có những người vừa đọc vừa khóc. Người không nhận được thư hỏi han những người nhận được; câu: “Không có tin gì nghĩa là tin lành.” không thể áp dụng đối với những thủy thủ ở ngoài khơi xa.
Có một người phụ nữ đứng tuổi ngày nào cũng tới bưu điện suốt sáu năm nay và trong sáu năm ấy bà vẫn không nhận được một lá thư nào: người ta đặt tên cho bà là bà mẹ Jouan, người ta kể rằng chồng bà cùng bốn người con trai đi ca nô ra khơi và biệt tích trong một trận gió bão, người ta không tìm thấy ca nô cũng không tìm thấy người. Từ khi tiếng đồn lan rộng, ngày nào bà ấy cũng tới bưu điện. Nhân viên bưu điện nói với bà: “Bà vẫn chưa có thư, chắc là ngày mai sẽ có.” Bà buồn bã trả lời: “Vâng, chắc là ngày mai sẽ có.” Rồi bà quay về để ngày mai lại tới. Người ta nói đầu óc của bà có vấn đề; tôi chưa từng thấy một người điên như bà, điên mà buồn và hiền như thế.
Hầu như mỗi lần đến bưu điện tôi đều thấy bà đã có mặt ở đó rồi. Vì nhân viên bưu điện vừa bán hàng xén vừa phụ trách phát thư nên ông ta phục vụ những người hỏi mua muối hoặc cà phê trước và ông để chúng tôi tha hồ đứng đợi; ông làm việc một cách nghiêm cẩn để có thể đảm nhận được hai vai trò, ông còn kéo dài thời gian chờ đợi bằng “nghi lễ chuẩn bị”: khi là chủ hiệu, ông đeo tạp dề xanh và đội mũ lưỡi chai còn khi là trạm trưởng, ông mặc áo vét nỉ và đội mũ nhung không vành. Ông sẽ không chấp nhận việc bán mù tạt trong khi đầu đang đội mũ nhung, cũng như cho dù trong tay ông có nắm lá thư quyết định vận mệnh của mười người đàn ông, ông cũng sẽ không trao nếu không tháo cái tạp dề trên người ra.
Sáng nào bà mẹ Jouan cũng bắt đầu kể tôi nghe: “Chồng con tôi đi đánh cá, một cơn gió bất chợt ào tới mạnh đến mức buộc họ phải ở lại thay vì trở về Bien- Aimé; bọn họ phải qua Prudence mà không thể cập bến. Nhưng cháu có hiểu là đối với một thủy thủ như ông Jouan thì không có gì là nguy hiểm cả không. Bọn họ sẽ tìm ra một chiếc thuyền buồm rộng có thể chở được tất cả thôi: điều này đã xảy ra nhiều lần rồi; đứa con trai của Mélanie đã trở về như vậy đấy. Cũng có thể người ta đưa họ cập bến ở châu Mỹ. Khi chồng con tôi trở về thì thằng Jérôme chắc lớn lắm rồi! Lúc đi nó mới mười bốn tuổi; mười bốn tuổi cộng với sáu năm là bao nhiêu?
Hai mươi tuổi. - hai mươi tuổi nó thành người lớn rồi.”
Bà không bao giờ chấp nhận việc chồng con mình mất tích. Có thể tới lúc chết bà vẫn tin là họ còn sống. Vì thế mấy hôm trước, bà gửi cha xứ ba đồng tiền vàng louis để cha đưa lại cho Jérôme khi anh trở về: dù chịu đói và phải sống trong khốn khổ bà vẫn giữ để dành tiền đó cho người con út của mình.