Về với gia đình - Hector Malot (chương 2)
Ở chương này, sau sáu năm lênh đênh trên biển thay vì ba năm như kế hoạch, cha của Romain Kalbris trở về nhà.
Hôm trước PM đã đăng tải chương đầu của Romain Kalbris (Về với gia đình, Thuý An chuyển ngữ) - cuốn sách sắp được phát hành. Ở chương này, sau sáu năm lênh đênh trên biển thay vì ba năm như kế hoạch, cha của Romain Kalbris trở về nhà. Khi Romain đến bến tàu, cha cậu đã lên bờ và được mọi người chào đón nồng nhiệt. Dù được mời uống rượu táo, ông từ chối để vội về gặp vợ và cậu con trai – người mà ông gọi là "thủy thủ tương lai". Romain cũng mong mỏi và dần hình thành ước mơ này. Nhưng như chúng ta biết, trong suốt cuộc đời về sau, Romain chưa bao giờ thành thuỷ thủ…
Ở đây PM cũng trích đăng lời tựa ấn bản 1884 gửi đến bạn đọc
Lời tựa ấn bản 1884
Có một tầng lớp gọi là tư sản và một vùng đất gọi là tỉnh lẻ. Vùng đất và tầng lớp này đại diện cho hàng triệu con người, và ở đó, vào bất cứ giờ nào mà Thượng Đế tạo ra, cũng diễn ra những bi kịch còn xúc động và khủng khiếp hơn nhiều so với những gì của giới thượng lưu hay tầng lớp dưới đáy xã hội.
Những người này đang chết mòn trong ngàn ngả ghê rợn, trong những cơn co giật khủng khiếp; nhưng họ che giấu nỗi đau của mình cũng như họ che giấu tội ác của mình, và các tiểu thuyết gia vẫn còn bận chế giễu những điều nực cười của họ thay vì đi sâu vào những vết thương của họ, tố cáo những kẻ cầm quyền đang bóp nát thế giới mà không để lại một vết máu trên tay.
Thế mà, dưới bóng những đặc quyền tư sản, có những tên sát nhân, có những kẻ gục ngã – những người giám hộ và những kẻ thừa kế, bác sĩ và bệnh nhân, luật sư và thân chủ, quản lý và kẻ phá sản, những kẻ bị ô danh và những kẻ được vinh danh – những con người đang phát cuồng và xâu xé lẫn nhau trong một cuộc đấu đá âm thầm. Đó là những vụ ám sát trong căn phòng phía sau cửa hàng, những vụ bóp cổ sau cánh gà sân khấu, những cú đánh thầm lặng!
Vậy thì, hãy đọc, Les Victimes d’amour (Những Nạn Nhân của Tình Yêu), đọc Le Beau-Frère (Người Anh Rể), Le Docteur Claude (Bác Sĩ Claude), đọc La Belle-Mère (Một Thương vụ béo bở), đọc Bà Mẹ Chồng (tên các tác phẩm của Hector Malot) và bạn sẽ có một cái nhìn về tầng lớp này. Lúc đó, bạn sẽ gần như trách móc những nhà văn lẫy lừng vì đã mãi tôn vinh những kẻ ngoài lề – từ tòa soạn báo, từ nhà chứa, từ xưởng thợ – trong khi lẽ ra họ nên cắt vào phần thịt của đời sống thường nhật.
Về phàn Malot, ông ta đã mổ xẻ, với tay áo xắn lên, ánh mắt sắc bén: trong những môi trường đứng đắn và ngột ngạt, nơi người ta nói về tư cách, công lý và đạo đức, ông ta cho ta thấy:
Người ta có thể giết một con người một cách bình thản
Và chiếc áo choàng của Luật pháp che giấu những vụ cưỡng hiếp đê tiện đến mức nào!
On peut tuer un homme avec tranquillité et ce que cache de viols ignobles le manteau de la Loi !
Chính điều này đã đặt ông ta ra ngoài và trên tất cả. Nhưng ông ấy sinh ra ở xứ rượu táo, chứ không phải xứ rượu vang; ông ấy là người Normandie, không phải người Provence. Ông ấy lẽ ra cần có sắc đỏ rực rỡ của một tài năng miền Nam. Trong các tác phẩm của ông không có sự chói lòa của ánh mặt trời; văn phong của ông không có những bông hoa rực rỡ như Zola hay những bông hoa nhợt nhạt như Daudet. Đôi khi, ông mặc bộ áo xám và tóc cắt ngắn, như một người Thanh giáo.
Người ta có thể nói rằng nếu ông ấy mặc áo xám, thì đó là vì đôi khi ông ấy làm công việc của một người hộ lý, và ông ấy cũng cọ xát với những người mặc trang phục sẫm màu khác – những người canh giữ viện tâm thần hoặc cai ngục. Ông ấy mang màu sắc của chính vũ khí của mình, như những người lính bắn súng bộ binh mang màu cỏ đồng nội.
Ngoài ra, ông khao khát công việc hơn là vinh quang, và chưa bao giờ bận tâm đến việc thắt những dải ruy băng lên cán cày của mình. Ông ấy đã cày bừa, gieo hạt – sợ hoa anh túc hơn là yêu chúng, vì chúng chiếm chỗ của một hạt lúa mì, dù rằng chúng làm cánh đồng lúa trông đẹp hơn.
Cũng có thể nói rằng ông chưa bao giờ tìm danh vọng, như những người nông dân gọi đàn ong bằng cách tạo ra một trận ồn ào với chảo và nồi trong khu vườn gần tổ ong bị bỏ rơi. Đó là nhiệm vụ của những người biết giá trị của ông ấy – nói về ông ấy, kêu gọi sự chú ý đến sức mạnh ẩn trong tác phẩm của ông, nếu như người ta đã không nhận ra nó giữa sự huyên náo do những cuốn sách khác tạo ra – những cuốn sách mà thời cuộc nâng lên trên vai như Hercules đội trên đầu một gã hề, một gã hề mà ai cũng có thể nhìn thấy từ mọi góc phố và nhờ vị trí đó mà trông có vẻ như một gã khổng lồ.
Le Cri du Peuple, ngày 17 tháng 11 năm 1884.
Mưa Chiều chuyển ngữ từ tiếng Pháp
CHƯƠNG II
Cha tôi
Thuý An dịch
Chuyến đi của cha tôi dự kiến chỉ trong ba năm đã kéo dài tới sáu năm: ban chỉ huy thì thay đổi liên tiếp, nhưng thủy thủ đoàn thì vẫn giữ nguyên đội hình ở lại Thái Bình Dương cho đến khi tàu chiến có nguy cơ bị đắm.
Lúc cha tôi trở về thì tôi đã 10 tuổi.
Đó là một Chủ Nhật sau buổi thánh lễ lớn; tôi đang ở trên đê chắn sóng để xem tàu tuần tra của hải quan trở về. Bên cạnh người lái tàu, người ta nhận ra một người lính hải quân; người ta còn dễ nhận ra ông hơn vì bộ quân phục bởi những người hải quan thì mặc áo varơ. Cũng như tất cả các ngày vào lúc thủy triều lên, công chúng đứng trên con đê chắn sóng là những thủy thủ già bất kể thời tiết thế nào, nắng nôi hay gió bão đều có mặt hai tiếng trước khi thủy triều lên và chỉ ra về sau đó hai tiếng.
“Romain, thuyền trưởng Houel nói với tôi khi vừa hạ ống nhòm xuống, cha cháu đấy. Có muốn đón cha không thì chạy ra bến trước đi.”
Tôi rất muốn chạy nhưng chân tôi như muốn gẫy ra. Khi tôi ra tới nơi thì tàu đã cập bến và cha tôi đã lên bờ; mọi người vây quanh bắt tay ông. Họ muốn rủ cha tới quán để mời ông uống chút rượu táo.
“Để tối nay, ông nói, tôi đang vội về ôm vợ và thủy thủ tương lai của tôi đã.
“Thủy thủ tương lai của ông đây! Đây, đây này!”
Buổi tối, thời tiết trở nên xấu; nhưng không ai trong nhà đứng dậy thắp nến.
Trong sáu năm đi đó đây cha tôi đã thấy nhiều điều, đối với ông thì tôi là thính giả luôn sẵn lòng lắng nghe. Trông bề ngoài cha tôi có vẻ nóng nảy và cục cằn, nhưng thực chất ông là một con người bền bỉ nhất, ông luôn kể chuyện cho tôi nghe, không chỉ về những gì làm ông hài lòng mà cả những gì làm thỏa mãn trí tưởng tượng trẻ con của tôi.
Một trong những câu chuyện kể của cha mà tôi nghe mãi không chán và luôn đòi cha kể lại: đó là chuyện về bác Jean của tôi. Trong chuyến ghé lại Calcutta, cha tôi từng nghe nói về tướng Flohy hiện làm ở đại sứ bên cạnh thống đốc Anh. Những gì người ta kể về ông thật là kỳ diệu. Đó là một người Pháp đã tình nguyện đi phục vụ vua Barar; trong cuộc chiến chống lại quân Anh, bằng một hành động phi thường, ông đã cứu được đội quân Ấn Độ, nhờ đó ông được phong tướng; trong một cuộc chiến khác, ông bị đại bác bắn cụt một bàn tay; ông đã mang tay giả bằng bạc, và khi về tới kinh đô, thấy ông cầm dây cương ngựa bằng bàn tay bạc, các linh mục đã quỳ gối và tôn thờ ông, họ nói trong kinh thánh có viết rằng vương quốc Barar sẽ đạt tới đỉnh cao của sức mạnh khi quân đội của nó được chỉ huy bởi một người ngoại quốc đến từ phương Tây có cánh tay bằng bạc. Cha tôi đã trình diện tướng Flohy và được tiếp đón nồng nhiệt. Trong vòng tám ngày, bác đã khoản đãi cha tôi như một ông hoàng, ông đã muốn đưa cha tôi về kinh đô nhưng vì nhiệm vụ phải hoàn thành, ông đã ở lại Calcutta.
Câu chuyện đã vun đắp trí tưởng tượng trong tôi bằng ấn tượng sâu sắc: bác tôi choán hết tâm trí của tôi, tôi chỉ mơ tưởng đến voi và kiệu; tôi không ngừng nghĩ về hai binh lính mang những bàn tay bạc đi theo bác tôi; trước đây tôi đã từng ngưỡng mộ người lính gác của nhà thờ, nhưng hai người tùy tùng này của bác tôi làm tôi thấy thương hại cây giáo bằng sắt và chiếc mũ có viền vàng của người lính canh gác nhà thờ ở chỗ chúng tôi.
Bố tôi hạnh phúc trước sự hào hứng của tôi; nhưng mẹ tôi thì lo lắng bởi tình mẫu tử khiến bà cảm nhận rất rõ những câu chuyện này có tác động đến tôi như thế nào:
“Tất cả những điều này,” bà nói, “sẽ khiến con yêu thích những chuyến đi và thích biển...”
“Và sau này nó sẽ giống cha nó, hoặc giống như bác nó, tại sao lại không thể chứ?”
Giống như bác tôi ư! Người cha đáng thương không biết rằng mình đang thắp lên một ngọn lửa trong lòng cậu con trai.
Mẹ tôi đành chấp nhận với việc tôi sẽ trở thành thủy thủ; nhưng với sự dịu dàng khéo léo của mình, bà muốn tôi bớt khổ nhọc trong bước đầu làm quen với công việc vất vả này. Bà cố thuyết phục cha tôi xin giải ngũ; khi nào ông chỉ huy tàu đánh cá đi Islande thì tôi sẽ đi theo ông để học nghề.
Bằng cách này, mẹ hy vọng giữ được cha con tôi ở nhà suốt mùa đông khi những con tàu đánh cá vào cảng để bảo dưỡng. Nhưng làm sao mà những tính toán và dự đoán của con người có thể chống lại được số trời?