[Truyện] Dagon - H.P. Lovecraft
Chính thức phát hành Tuyển tập Lovecraft:
Dagon là truyện ngắn mà H.P. Lovecraft viết năm 1917, khi còn rất trẻ. Đó là sự trở lại tươi mới (mặc cho truyện đề cập đến những trải nghiệm rất u sầu) khi Lovecraft gia nhập UAPA, một hội văn chương nghiệp dư mà ông kiếm được nhiều người bạn tri âm (đã viết trong một bức thư). Sau này, Lovecraft ít viết những truyện ở ngôi thứ nhất, mà đều lấy các nhân vật hư cấu, truyện Dagon có thể xem như một autofiction, về những gì diễn ra trong tâm trí Lovecraft, trong thế giới riêng của ông.
Sau truyện này, độc giả bắt đầu có thể hiểu hơn về Lovecraft để bắt đầu tập truyện “Âm vọng từ đêm đen” - là những kiệt tác kinh dị của ông.
Chuyên đề Lovecraft:
Dagon - H.P. Lovecraft
Mưa Chiều chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Anh
Tôi đang viết mà trong lòng căng thẳng tột độ, bởi lẽ đêm nay, cõi đời này sẽ chẳng còn tôi nữa. Túi không một đồng, thuốc thang – thứ duy nhất giúp tôi gắng gượng sống – cũng đã cạn, tôi không thể chịu đựng thêm sự dày vò này nữa; tôi sẽ gieo mình từ ô cửa sổ áp mái này xuống con phố nhớp nhúa bên dưới. Đừng vội nghĩ rằng vì nghiện morphine mà tôi là kẻ yếu đuối hay một tên sa đọa. Khi bạn đọc xong những nét nguệch ngoạc này, bạn sẽ hiểu th bao giờôi dẫu chẳng trọn vẹn, tại sao tôi phải tìm đến lãng quên hoặc cái chết.
Đó là ở một trong những vùng biển khơi Thái Bình Dương rộng lớn hoang vu bậc nhất, con tàu hàng mà tôi là quản lý đã không may rơi vào tay một tàu cướp biển Đức. Đại chiến khi ấy chỉ mới chớm bắt đầu, và lực lượng hải quân của quân Hun chưa hoàn toàn suy như đoạn sau này; do đó, tàu chúng tôi bị bắt giữ một cách hợp pháp, còn thủy thủ đoàn thì được đối xử công bằng tử tế như những tù binh hải quân. Quả là những kẻ bắt giữ chúng tôi khá lỏng lẻo về kỷ luật, đến nỗi chỉ năm ngày sau, tôi trốn được, một mình, bằng một thuyền nhỏ, mang theo đủ đồ ăn nước uống cho đường dài.
Khi cuối cùng được tự do trôi dạt, tôi gần như chẳng biết mình đang ở đâu. Vốn không phải một tay đi biển cừ khôi, tôi chỉ có thể đoán mông lung dựa vào mặt trời và các vì sao rằng mình đang ở đâu đó nam xích đạo. Kinh độ thì tôi mù tịt, và cũng chẳng thấy bóng dáng một hòn đảo hay đường bờ biển nào. Thời tiết vẫn thuận lợi, và suốt bao ngày lênh đênh, tôi trôi dạt vô định dưới ánh mặt trời gay gắt; chỉ biết chờ đợi một con tàu nào đó đi ngang, hoặc được sóng đánh dạt vào một bờ bến có người ở. Nhưng chẳng có tàu bè hay đất liền nào xuất hiện, và tôi bắt đầu tuyệt vọng giữa nỗi cô đơn trên biển xanh bất tận.
Biến cố đến trong lúc tôi thiếp đi. Chi tiết thế nào, tôi sẽ không bao giờ biết được; bởi giấc ngủ của tôi, dù chập chờn ác mộng, vẫn li bì không dứt. Dậy, tôi kinh hoàng nhận ra mình đang lún dần vào một bãi lầy đen nhớp, gớm ghiếc, trải dài vô tận trước mắt. Bùn có cả những vệt sóng đang lan ra, còn chiếc thuyền của tôi thì mắc cạn cách đó không xa.
Dù người ta có thể hình dung rằng cảm giác đầu tiên của tôi hẳn là niềm kinh ngạc trước một biến đổi cảnh quan kỳ vĩ và đột ngột đến vậy, nhưng thực tế, tôi lại thấy khiếp hãi hơn là sửng sốt; bởi lẽ, trong không khí và trong lớp đất mục nát ấy phảng phất một điều gì nham hiểm, khiến tôi buốt tận xương. Cả vùng nồng nặc mùi xác cá đang phân hủy, cùng những thứ khác khó mà diễn tả thành lời đang lúc nhúc trồi lên từ lớp bùn nhão của cái đồng bằng vô tận ấy. Có lẽ tôi chẳng thể nào dùng ngôn từ để diễn tả hết cái vẻ gớm ghiếc khôn cùng ẩn chứa trong sự im lặng tuyệt đối và cái mênh mông hoang tàn này. Chẳng một tiếng động, chẳng một bóng hình nào ngoài cái bãi sình lầy đen ngòm trải đến vô tận; vậy mà, chính cái tĩnh lặng hoàn hảo và cái đơn điệu của cảnh vật lại đè lên tôi một nỗi sợ hãi đến nôn nao.
Mặt trời như đổ lửa từ một bầu trời mà với tôi, dường như đen kịt một cách tàn nhẫn, không một gợn mây; như thể phản chiếu lại cái đầm lầy mực đặc bên dưới chân. Khi tôi lê mình vào chiếc thuyền mắc cạn, tôi nhận ra chỉ có một giả thuyết duy nhất có thể lý giải tình cảnh của mình. Hẳn là do một cơn địa chấn núi lửa kinh hoàng chưa từng có, một phần đáy đại dương đã bị hất tung lên bề mặt, phơi bày những vùng đất mà suốt hàng triệu triệu năm qua vẫn nằm sâu dưới những tầng nước thẳm không dò tới. Vùng đất mới trồi lên bên dưới tôi rộng lớn đến nỗi, dù có cố căng tai lắng nghe, tôi cũng chẳng thể nghe thấy một tiếng động nhỏ nào của đại dương đang thét. Cũng chẳng có một con chim biển nào đến rỉa xác những sinh vật đã chết.
Suốt nhiều giờ, tôi ngồi bất động, chìm trong ưu phiền trên chiếc thuyền nằm nghiêng, nó tạo ra một khoảng bóng râm nhỏ khi mặt trời di chuyển ngang bầu trời. Ngày dần trôi, mặt đất cũng bớt đi vẻ dính nhớp, và có vẻ sẽ sớm khô ráo đủ để đi lại. Đêm đó, tôi ngủ chẳng được bao nhiêu, và ngày hôm sau, tôi sửa soạn một túi đồ gồm thức ăn và nước uống, chuẩn bị cho một cuộc hành trình xuyên đất liền để tìm kiếm vùng biển đã biến mất và một tia hy vọng được cứu.
Sáng ngày thứ ba, tôi thấy mặt đất đã đủ khô để có thể đi lại dễ dàng. Mùi cá tanh nồng đến phát điên; nhưng tôi còn quá nhiều mối bận tâm hệ trọng hơn nỗi khó chịu cỏn con như vậy, và cứ thế mạnh dạn cất bước về một phương trời vô định. Cả ngày, tôi miệt mài theo hướng tây, nhắm mục tiêu vào một gò đất xa xa, nhô cao hơn hẳn những điểm khác trên cái hoang mạc nhấp nhô ấy. Đêm, tôi hạ trại, và hôm sau vẫn tiếp tục hướng về gò đất, dẫu nó dường như chẳng gần hơn chút nào so với lúc tôi mới trông thấy. Đến chiều tối ngày thứ tư, tôi đã tới được chân gò đất, hóa ra nó cao hơn nhiều so với vẻ bề ngoài khi nhìn từ xa; một thung lũng nằm giữa khiến nó càng thêm nổi bật trên nền đất chung. Quá kiệt sức để leo lên, tôi thiếp đi dưới bóng râm ngọn đồi.
Không hiểu sao đêm đó những giấc mơ của tôi lại hoang đường đến thế; nhưng khi vầng trăng khuyết, hình thù kỳ dị, còn chưa lên cao hẳn trên đồng bằng phía đông, tôi đã giật mình tỉnh giấc, toát mồ hôi lạnh, và quyết không ngủ thêm. Những ảo ảnh tôi vừa trải qua thật quá sức chịu đựng để có thể giáp mặt lần nữa. Và dưới trăng, tôi mới nhận ra mình đã dại dột thế nào khi đi đường vào ban ngày. Nếu không có cái nắng gay gắt thiêu đốt, chuyến đi của tôi hẳn đã đỡ tốn sức hơn nhiều; quả thực, lúc này tôi cảm thấy hoàn toàn đủ sức để leo lên cái dốc mà lúc hoàng hôn đã làm tôi chùn bước. Vác túi đồ lên, tôi bắt đầu trèo lên đỉnh ngọn đồi.
Tôi đã từng nói rằng sự đơn điệu đến ngột ngạt của cái đồng bằng nhấp nhô này là một nguồn cơn kinh hoàng mơ hồ đối với tôi; nhưng tôi nghĩ nỗi kinh hoàng của mình còn nhân lên gấp bội khi tôi lên tới đỉnh gò đất và nhìn xuống phía bên kia, vào một cái hố sâu hay một hẻm núi thăm thẳm, nơi những ngóc ngách tối đen của nó mặt trăng vẫn chưa lên đủ cao để soi rọi. Tôi cảm thấy mình như đang đứng ở mép thế giới; nhìn trộm qua mé vực vào một hỗn mang không đáy của đêm đen vĩnh quyết. Xuyên qua nỗi kinh hoàng, những ký ức kỳ lạ về Thiên Đường Đã Mất, và về cuộc leo trèo khủng khiếp của Satan qua những huyền cõi, hỗn mang quay trở lại.
Khi mặt trăng lên cao hơn trên bầu trời, tôi bắt đầu nhận ra sườn dốc của thung lũng không hoàn toàn thẳng đứng như tôi đã tưởng. Những gờ đá và mỏm đá nhô ra tạo thành những điểm tựa khá dễ dàng để đi xuống, và sau khi tụt xuống khoảng vài trăm bộ, độ dốc trở nên thoai thoải hơn nhiều. Bị thôi thúc bởi một sự mách bảo mà tôi không thể nào phân tích rõ ràng, tôi khó nhọc trèo xuống những tảng đá và đứng trên sườn dốc thoai thoải bên dưới, đăm đăm nhìn vào vực thẳm Stygian, nơi ánh sáng vẫn chưa thể nào xuyên tới.
Bất thình lình, sự chú tâm của tôi bị cuốn vào một vật thể khổng lồ và kỳ dị ở sườn dốc đối diện, nhô cao sừng sững cách tôi chừng một trăm thước; một vật thể trắng lóa dưới những tia sáng yếu ớt của vầng trăng đang lên. Rằng đó chỉ đơn thuần là một tảng đá khổng lồ, tôi tự trấn an mình; nhưng tôi vẫn linh cảm rất rõ rằng hình dáng và vị trí của nó không hoàn toàn là sản phẩm của thiên nhiên. Càng quan sát kỹ, trong tôi càng dấy lên những cảm xúc không thể tả xiết; bởi lẽ, bất chấp kích thước đồ sộ và vị trí của nó trong một vực thẳm đã tồn tại từ hồng hoang thế giới, dưới đáy biển sâu, tôi nhận ra không chút nghi ngờ rằng cái vật thể kỳ lạ ấy là đá nguyên khối được tạo tác tinh xảo, mà cái đồ sộ của nó hẳn đã từng được bàn tay và có lẽ là cả sự sùng bái của những sinh vật sống, có tư duy, chạm đến.
Hoang mang, thất đảm, nhưng không thiếu một chút rạo rực của một nhà khoa học hay một nhà khảo cổ, tôi xem xét kỹ hơn xung quanh. Trăng đã gần đỉnh đầu, rải thứ lân quang kỳ quái rực rỡ lên những vách đá dựng đứng bao quanh vực thẳm, và hé lộ một dòng nước chảy ở đáy, uốn lượn khuất tầm nhìn ở cả hai phía, như mơn man dưới chân tôi khi tôi đứng trên sườn dốc. Bên kia vực thẳm, những con sóng nhỏ vỗ về chân khối đá nguyên khối Cyclopean; trên bề mặt của nó, giờ đây tôi có thể nhận ra cả những dòng chữ khắc lẫn những hình chạm trổ thô sơ. Chữ viết thuộc một hệ thống tượng hình xa lạ, không giống bất cứ thứ gì tôi từng thấy trong sách vở; chủ yếu là những biểu tượng thủy sinh cách điệu như cá, lươn, bạch tuộc, giáp xác, thân mềm, cá voi, và những loài tương tự. Một vài ký tự rõ ràng mô tả những sinh vật biển mà thế giới hiện đại không hề biết đến, nhưng những hình hài đang phân hủy của chúng thì tôi đã từng thấy trên cái đồng bằng trồi lên từ đại dương.
Tuy nhiên, chính những hình chạm khắc mới là thứ khiến tôi bị cuốn hút nhất. Nhờ kích thước khổng lồ, chúng hiện ra rõ mồn một qua làn nước, đó là một loạt các bức phù điêu mà chủ đề của chúng hẳn sẽ khiến một họa sĩ như Doré cũng phải ghen tị. Tôi cho rằng những hình này nhằm mô tả con người, hay chí ít là một dạng người nào đó; dù những sinh vật này được thể hiện đang tung tăng như cá dưới làn nước của một hang động biển nào, hoặc đang cúi mình bái vọng trước một điện thờ bằng đá nguyên khối dường như cũng nằm sâu dưới những con sóng. Về khuôn mặt và hình dáng của chúng, tôi không dám kể chi tiết; bởi chỉ cần nhớ lại thôi cũng đủ khiến tôi rụng rời. Quái dị vượt xa trí tưởng tượng của một Poe hay một Bulwer, chúng lại mang những nét con người một cách đáng tởm, bất chấp tay chân có màng, đôi môi rộng ngoác và trề trễ một cách kinh dị, đôi mắt lồi, đờ đẫn, cùng những đặc điểm khác mà tốt hơn hết là không nên nhớ lại. Lạ thay, chúng dường như được khắc hoạ một cách vụng về, mất cân đối với khung cảnh xung quanh; bởi một trong số những sinh vật đó được thể hiện đang giết một con cá voi mà kích thước của nó chỉ nhỉnh hơn kẻ tấn công một chút. Tôi nhận thấy, như đã nói, vẻ kỳ quái và kích thước dị thường của chúng; nhưng chỉ trong thoáng chốc, tôi quả quyết rằng chúng chẳng qua chỉ là những vị thần tưởng tượng của một bộ tộc đánh cá nguyên thủy nào đó; một bộ tộc mà hậu duệ cuối cùng của họ đã tuyệt diệt hàng thiên niên kỷ trước khi tổ tiên đầu tiên của Người Piltdown hay Người Neanderthal ra đời. Sững sờ trước cái nhìn thoáng qua bất ngờ này vào một quá khứ vượt xa cả hình dung của những nhà nhân chủng học táo bạo nhất, tôi đứng trầm ngâm trong khi mặt trăng hắt những bóng hình kỳ dị xuống lòng kênh tĩnh lặng trước mặt.
Rồi đột nhiên tôi nhìn thấy nó. Chỉ một chút gợn nước nhẹ đánh dấu một cái gì trồi lên, vật thể đó lướt vào tầm nhìn phía trên mặt nước sẫm. To lớn, dị hợm như Polyphemus, và ghê tởm, nó lao tới như một con quái vật khổng lồ bước ra từ ác mộng, hướng về tảng đá nguyên khối, rồi quàng những cánh tay có vảy khổng lồ của nó quanh đó, trong khi cái đầu gớm ghiếc của nó cúi xuống và phát ra những âm thanh đều đều, có nhịp điệu. Tôi nghĩ, lúc đó, tôi đã hóa điên.
Về cuộc trèo lên sườn dốc và vách đá một cách điên cuồng, và về hành trình mê sảng trở lại chiếc thuyền mắc cạn, tôi chẳng nhớ được gì nhiều. Tôi tin rằng mình đã hát rất nhiều, và cười một cách kỳ quặc khi không thể cất tiếng hát. Tôi có những ký ức lờ mờ về một trận bão lớn sau khi tôi về được đến thuyền; dù sao đi nữa, tôi biết mình đã nghe thấy tiếng sấm rền và những âm thanh khác mà Tạo hóa chỉ cất lên trong những cơn thịnh nộ dữ dội nhất của mình.
Khi tôi tỉnh lại, tôi đang ở trong một bệnh viện ở San Francisco; được thuyền trưởng của một con tàu Mỹ vớt được chiếc thuyền của tôi giữa đại dương đưa vào. Trong cơn mê sảng, tôi đã nói rất nhiều, nhưng nhận ra rằng lời nói của mình chẳng được mấy ai để tâm. Về bất kỳ sự biến động đất đai nào ở Thái Bình Dương, những người cứu hộ của tôi đều không hay biết; tôi cũng chẳng thấy cần thiết phải khăng khăng về một điều mà tôi biết họ sẽ không bao giờ tin. Có lần, tôi tìm đến một nhà dân tộc học có tiếng, và gợi chuyện với ông ta bằng những câu hỏi kỳ lạ về truyền thuyết cổ xưa của người Philistine về Dagon, Thần Cá; nhưng sớm nhận ra ông ta là một người bảo thủ đến vô vọng, tôi đã không hỏi thêm nữa.
Chính vào ban đêm, đặc biệt là khi vầng trăng khuyết và đang lụi tàn, tôi mới nhìn thấy vật thể đó. Tôi đã thử dùng morphine; nhưng thứ thuốc đó chỉ mang lại sự nguôi ngoai tạm thời, và đã kéo tôi vào vòng kìm kẹp của nó như một tên nô lệ tuyệt vọng. Vì vậy, giờ đây, tôi sẽ kết thúc tất cả, sau khi đã viết lại toàn bộ câu chuyện này, để cung cấp thông tin, hoặc để làm trò cười cho những kẻ đồng loại của mình. Tôi thường tự hỏi liệu tất cả có phải chỉ là một ảo ảnh thuần túy – một sản phẩm kỳ quái của cơn sốt khi tôi nằm vật vã, mê sảng dưới cái nắng thiêu đốt trên chiếc thuyền nan sau khi trốn thoát khỏi tàu chiến Đức. Tôi tự hỏi mình như vậy, nhưng đáp lại luôn là một ảo ảnh sống động rợn người hiện ra trước mắt. Tôi không thể nghĩ về biển sâu mà không rùng mình trước những thứ vô danh có thể đang lúc nhúc bò trườn, quẫy đạp trên đáy bùn nhớp nháp của nó ngay lúc này, đang thờ phụng những thần tượng đá cổ xưa của chúng và tạc nên những hình hài gớm ghiếc của chính chúng trên những cột đá granit ngầm dưới biển, sũng nước. Tôi mơ về một ngày khi chúng có thể trồi lên từ những con sóng dữ để dùng những móng vuốt hôi thối của mình kéo xuống những tàn dư của một nhân loại nhỏ bé, kiệt quệ vì chiến tranh – một ngày khi đất liền sẽ chìm nghỉm, và đáy đại dương tăm tối sẽ trồi lên giữa một cơn đại hồng thủy hỗn loạn.
Kết thúc đã cận kề. Tôi nghe thấy tiếng động ở cửa, như thể một vật thể trơn tuột, khổng lồ nào đó đang ì ạch xô vào. Nó sẽ không tìm thấy tôi. Lạy Chúa, bàn tay đó! Cửa sổ! Cửa sổ!
Hết