Raymond Chandler & Erle Stanley Gardner & Kỹ thuật sáng tác trinh thám
Gardner đã sáng tạo ra một trong những công cụ lập cốt truyện vĩ đại nhất trong lịch sử văn học trinh thám: bốn vòng xoay chiếc nón kì diệu...
Bài viết này để thông báo, sắp tái bản Tiếng chó tru trong đêm:
Raymond Chandler bắt đầu viết truyện trinh thám tương đối muộn, ở tuổi 44, với truyện ngắn đầu tiên, Blackmailers Don’t Shoot, xuất bản năm 1933. Tuy nhiên, ông chỉ thực sự nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết đầu tay, The Big Sleep (1939), giới thiệu nhân vật thám tử Philip Marlowe, một biểu tượng của thể loại hardboiled detective fiction. Raymond Chandler bị ảnh hưởng bởi một vài nhà văn, trong đó có cả người đồng trang lứa dưới đây: Erle Stanlet Gardner (tác giả của “Tiếng chó tru trong đêm”)
Raymond Chandler nhiều hơn Erle Stanley Gardner (sn 1889) 1 tuổi, nhưng thành danh sau Gardner. Gardner bắt đầu viết truyện cho các tạp chí phổ thông (pulp magazines) từ đầu thập niên 1920 và đạt được danh tiếng lớn với loạt tiểu thuyết Perry Mason, cuốn đầu tiên xuất bản vào năm 1933. Ảnh hưởng này rất lớn: ở giai đoạn tập viết, Raymond Chandler đã đọc nhiều truyện của E. S. Gardner và viết lại, kể cả các truyện về luật sư Perry Manson lừng danh.
Thư của Raymond Chandler gửi cho Erle Stanley Gardner ngày 5 tháng 5 năm 1939:
“Khi chúng ta nói về tạp chí Action Detective cũ, tôi đã quên kể với anh rằng tôi từng học cách viết một truyện ngắn dựa trên một câu chuyện của anh về một người đàn ông tên là Rex Kane, nhân vật này giống như một phiên bản khác của Ed Jenkins, và dính líu đến một người phụ nữ quyến rũ trong một ngôi nhà trên đỉnh đồi ở Hollywood – nơi cô ta điều hành một tổ chức chống lại nạn tống tiền. Anh chắc sẽ không nhớ đâu. Có lẽ nó nằm trong hồ sơ số 54276-84 của anh. Ý tưởng, mà tôi chắc chắn không phải do tôi tự nghĩ ra, rất hay đến mức tôi đã cố thử áp dụng nó với một người tập viết khác sau này. Nhưng anh ta không hiểu được việc phải bỏ công sức vào một thứ mà anh ta biết chắc không thể bán được, thay vào đó lại muốn đầu tư công sức vào 19 thứ mà anh ta nghĩ có thể bán được nhưng lại không.
Tôi đơn giản là viết một bản tóm tắt cực kỳ chi tiết về câu chuyện của anh, sau đó viết lại từ đầu, rồi so sánh những gì tôi viết với bản gốc của anh, sau đó quay lại và viết lại lần nữa, cứ như thế. Thành quả trông khá ổn.
Nhân tiện, tôi phát hiện ra phần khó nhất trong kỹ thuật của anh chính là khả năng xử lý những tình huống gần như không thể tin nổi nhưng khi đọc lại thì chúng lại có vẻ rất thực tế. Tôi hy vọng anh hiểu rằng tôi nói điều này như một lời khen. Bản thân tôi chưa bao giờ làm được điều đó, ngay cả gần đạt được cũng không. Alexandre Dumas có kỹ năng này ở mức rất cao. Charles Dickens cũng vậy. Đây có lẽ là nền tảng của mọi tác phẩm được viết nhanh, bởi vì viết nhanh tự nhiên mang tính ngẫu hứng nhiều, và làm cho một cảnh ngẫu hứng trở nên dường như không thể khác đi là một kỹ năng đáng nể.
Và đây là tôi, lúc 2 giờ 40 sáng, đang nói về kỹ thuật, mặc dù tôi tin chắc rằng ngay khi một người bắt đầu nói về kỹ thuật, đó chính là bằng chứng cho thấy anh ta đã cạn kiệt ý tưởng.”
(Trích từ The Chandler Paper: Selected Letters and Non-Fiction 1909-1959)
Vậy thì kỹ thuật sáng tác của Erle Stanley Gardner như thế nào?
Chiếc nón kì diệu của Gardner
Erle Stanley Gardner sáng tác rất khoẻ với tốc độ và khối lượng đáng kinh ngạc. Năng suất sáng tác của ông khiến người ta không khỏi sửng sốt. Mỗi năm, ông đặt mục tiêu viết 1,2 triệu từ. Chia ra là khoảng 3.300 từ mỗi ngày.
Ông đã hoàn thành 3.300 từ mỗi ngày đó trong khi vẫn tham gia vào một văn phòng luật sư hoạt động tích cực tại Nam California. Gardner cũng dành hàng ngàn giờ cho tổ chức "The Court of Last Resort" (Tòa Án Hy Vọng Cuối). Cùng với các luật sư, chuyên gia pháp y, và điều tra viên khác, ông đã sử dụng kinh nghiệm và chuyên môn của mình để minh oan cho những người mà ông tin rằng đã bị kết án oan vì sự đại diện pháp lý kém, lạm dụng, hiểu sai chứng cứ pháp y, hoặc do sự bất cẩn hoặc hành động ác ý của cảnh sát hoặc công tố viên.
Gardner qua đời năm 1970 và lúc đó được coi là nhà văn được xuất bản nhiều nhất nước Mỹ trong thế kỷ 20. Ông viết truyện dưới bảy bút danh khác nhau cùng với tên thật của mình, và sáng tác cả truyện ngắn cho các tạp chí phổ thông lẫn sách tiểu thuyết. Tổng cộng, ông có hơn 600 tác phẩm được xuất bản.
Loạt tiểu thuyết về Perry Mason là nguồn thu nhập và đỉnh cao sự nghiệp chính của ông. Chương trình truyền hình dựa trên các tiểu thuyết này đã trở thành hiện tượng lớn vào những năm 1950.
Năng suất của Gardner khiến ngay cả những nhà văn làm việc chăm chỉ nhất ngày nay cũng phải nể phục. Là một người "cuồng công việc", ông cần giảm thiểu thời gian suy nghĩ về cốt truyện để có thể sản xuất 1 triệu từ mỗi năm. Để làm được điều đó, Gardner đã sáng tạo ra một trong những công cụ lập cốt truyện vĩ đại nhất trong lịch sử văn học trinh thám: bốn vòng xoay chiếc nón kì diệu lập cốt truyện bằng bìa cứng để giữ cho các câu chuyện của ông luôn phong phú, phức tạp và hấp dẫn.
Gardner chế tạo những tấm bìa tròn với một mũi tên được gắn ở tâm bằng chốt đồng. Bốn bánh xe bao gồm:
Chiếc nón kỳ diệu 1: thử thách mù quáng.
Chiếc nón kỳ diệu 2: các nhân vật phụ thù địch.
Chiếc nón kỳ diệu 3: các giải pháp.
Chiếc nón kỳ diệu 4: tình huống phức tạp.
Ông xoay mũi tên trên mỗi bánh xe và, một cách ngẫu nhiên, tạo ra cốt truyện cho cuốn tiểu thuyết tiếp theo. Cụ thể như ở dưới đây
1. Vòng xoay chướng ngại từ đối thủ
Những nhân vật này đặt chướng ngại vật trên con đường của Nhân vật thám tử, khiến việc đạt được mục tiêu của cô/anh trở nên khó khăn.
Thám tử quê mùa, vô dụng nhưng lanh chanh thể hiện.
Luật sư.
Phóng viên báo chí.
Thám tử điều tra.
Đối thủ trong kinh doanh.
Đối thủ tình trường.
Cha của nữ chính.
Kẻ tống tiền.
Kẻ ngồi lê đôi mách.
Người bạn hay can thiệp.
Người giúp việc đáng ngờ.
Con chó hung dữ.
Gián điệp.
Tên tội phạm bất đắc dĩ.
Nhân viên bảo vệ khách sạn.
Cảnh sát đầu óc chậm chạp.
2. Vòng Xoay Các Tình Huống Phức Tạp
Nhân vật thám tử bị gián điệp tiết lộ cho kẻ phản diện.
Mọi hành động của Nhân vật thám tử đều "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa".
Người hầu gái của nữ chính là gián điệp.
Cha của nữ chính thù địch với Nhân vật thám tử.
Thám tử tin rằng Nhân vật thám tử là kẻ có tội và cố bắt giữ cô/anh vào thời điểm quan trọng.
Nhân vật thám tử phạm phải một tội nhỏ. Ví dụ: bị bắt vì chạy quá tốc độ.
Nhân chứng nhầm lẫn Nhân vật thám tử với kẻ phản diện.
Nhân vật thám tử vi phạm pháp luật và bị truy nã.
Tâm trí của nữ chính bị đầu độc, chống lại Nhân vật thám tử.
Một nhân vật không phải là người như đã giới thiệu.
Đối thủ tình trường cố làm mất uy tín của Nhân vật thám tử.
Sự nhiệt tình quá mức của cảnh sát địa phương làm hỏng kế hoạch.
3. Vòng Xoay giả mạo
Nhân chứng nói dối.
Một tài liệu bị làm giả.
Một nhân chứng được cài đặt.
Khách hàng giấu giếm điều gì đó.
Khách hàng bóp méo sự thật.
Một người bạn giả vờ phản bội Nhân vật thám tử.
Trợ lý của kẻ phản diện giả vờ phản bội Nhân vật thám tử.
Một nhân chứng quan trọng từ chối nói chuyện.
Lời thú tội giả.
Những sai lầm thật sự.
Nhân chứng bỏ trốn.
Nhân chứng bị bắt cóc.
Nhân chứng tự tử.
Nhân chứng bán đứng.
Manh mối giả mạo.
Lời khai không thể xảy ra.
4. Vòng Xoay Giải Pháp
Cách Nhân vật thám tử vượt qua các trở ngại được đặt ra.
Khiến kẻ phản diện tự lộ ra vì lòng tham.
Khiến kẻ phản diện tự mình đặt thêm bằng chứng.
Đặt bằng chứng giả để khiến kẻ phản diện bối rối.
Giả mạo tình huống để kẻ phản diện nghĩ rằng hắn ta đã bị phát hiện.
Lừa trợ lý của kẻ phản diện phải thú nhận.
Kẻ phản diện tự chuốc lấy thất bại do hành động của chính mình.
Kẻ phản diện bị giết khi cố gắng gài tội người khác.
Khiến kẻ phản diện hành động quá mức và lộ ra sơ hở.
Đối đầu mưu mẹo bằng sự sáng suốt và lý trí.
Đánh bại trở ngại bằng lòng dũng cảm.
Khiến các kẻ phản diện quay sang chống lại nhau.
Lừa kẻ phản diện tự tiết lộ nơi giấu bằng cách:
a) Giả tạo một vụ cháy,
b) Đưa cho hắn thứ gì khác để giấu, hoặc
c) Tạo điều kiện khiến kẻ phản diện phải bỏ trốn (và buộc phải lấy thứ gì đó từ nơi ẩn náu).
Tham khảo các tài liệu từ Karen Woodward, Authorselectric và Infovore