Đây là tiểu luận mang tên “Kikyō na chakusō” được viết vào năm 1955, cùng thời điểm xuất bản Giao Lộ, thể hiện một sự nghiên cứu trinh thám, sự đọc, suy ngẫm sâu rộng của Ranpo với trinh thám thế giới - một nhà văn tận tuỵ với nghề viết rất nhiều năm.
Những Ý tưởng trinh thám kì khôi - E. Ranpo
Kikyō na chakusō · 1955
Trước đây, các nhà văn tiểu thuyết trinh thám, đặc biệt là người Anh và Mỹ theo truyền thống Anglo-Saxon, đã nghĩ ra một số thủ thuật văn học thật kì khôi và tinh vi.
Vào năm 1954, tôi biên cuốn Sổ tay mánh khoé, một danh sách hơn tám trăm thủ thuật chủ yếu xuất hiện trong các tiểu thuyết trinh thám cổ điển Anh-Mỹ. Tôi viết hơn một trăm năm mươi trang bản thảo của hướng dẫn cho người mới bắt đầu này, sau đó viết lại một phần theo phong cách dễ đọc hơn, rồi xuất bản trên tạp chí. Ví dụ, có các chủ đề như "sử dụng băng đá như một hung khí", "xác chết không mặt", "thủ thuật biến mất", và "tội phạm theo xác suất", chẳng hạn.
Tôi muốn nhân dịp này chọn ra một số phát triển lạ lùng hơn từ Sổ tay mánh khoé mà không trùng lặp với những gì tôi vừa đề cập, và thảo luận chúng chi tiết hơn. Chúng được rút ra từ các tác phẩm cũ, vì vậy chúng không nên quá xa lạ với những người am hiểu tiểu thuyết trinh thám, nhưng cũng có một số ý tưởng sáng tạo mới mẻ trong những tác phẩm xưa này. Tôi hy vọng rằng độc giả bình thường cũng sẽ thấy chúng thú vị.
KHI HUNG THỦ KHÔNG PHẢI LÀ CON NGƯỜI
Mỗi khi có một vụ án giết người, giả định đầu tiên của chúng ta là kẻ giết người phải là con người. Để khiến chúng ta bất ngờ, các nhà văn khéo léo tạo ra một thủ phạm không phải là con người, như Edgar Allan Poe, người sáng lập tiểu thuyết trinh thám, đã làm với The Murders in the Rue Morgue [Vụ án mạng ở Rue Morgue]. Cuộc điều tra trong câu chuyện đó chỉ xoay quanh việc tìm ra hung thủ là con người cho đến khi bất ngờ phát hiện ra rằng một con đười ươi chính là thủ phạm. Các nhà văn trinh thám sau đó đã mở rộng ý tưởng này để bao gồm hầu hết mọi loài vật mà con người biết đến – chim, côn trùng, v.v. – như là thủ phạm để tạo ra yếu tố bất ngờ. Tương tự, có một tình huống ngược lại, nơi một con vật bị nghi ngờ là thủ phạm của tội ác, nhưng hóa ra đó là công việc của bàn tay con người. Đây là một biến thể khác của cùng một thủ thuật.
Có một rạp xiếc với một người huấn luyện sư tử, người này thường xuyên mở miệng sư tử và cho đầu mình vào trong miệng sư tử. Một trong một nghìn buổi biểu diễn kết thúc một cách bi thảm. Một ngày, người huấn luyện sư tử đặt đầu mình vào miệng sư tử trước đám đông, và điều gì đó tồi tệ đã xảy ra – con sư tử ngậm chặt miệng lên cổ người đàn ông. Chỉ trong nháy mắt, người huấn luyện sư tử đã chết.
Thật kỳ lạ khi một con sư tử được huấn luyện tốt lại cắn chủ của mình, nhưng khi vụ việc được điều tra, một nhân chứng xuất hiện và tuyên bố đã nhìn thấy con sư tử nhăn mũi và cười ngay trước khi vụ giết người xảy ra. Con sư tử đang cười, nghe mới gớm làm sao!
Cuối cùng, một hung-thủ-con-người vẫn bị bắt giữ. Kế hoạch bí mật đã không được phát hiện kịp thời, nhưng chúng ta biết rằng một thành viên khác trong rạp xiếc đã có mối hận thù với người huấn luyện sư tử và bày ra một kế hoạch tinh vi để sử dụng màn biểu diễn với sư tử nhằm che giấu dấu vết của mình. Người này không hề bị người huấn luyện sư tử phát hiện, đã rắc bột hắt hơi vào tóc của người huấn luyện. Khi người huấn luyện sư tử đưa đầu vào miệng sư tử, con sư tử hắt hơi, điều này khiến nó ngậm miệng lại đúng như dự đoán của người đàn ông. Khi kẻ thủ phạm thử nghiệm bột hắt hơi bằng cách rắc vào miệng sư tử lần đầu tiên, con sư tử đã cười. Hoặc đúng hơn, mũi của nó co lại và nó làm mặt như thể đang cười. Mặc dù đây là một câu chuyện ngắn được viết ở Anh hơn ba mươi năm trước, nhưng sẽ thật thú vị nếu cốt truyện này được phóng tác thành torimonochō (trinh thám Nhật Bản). Cũng có thể có ai đã làm rồi.
Một cách xây dựng nhân vật lạ lùng hơn đối với kẻ giết người không phải là con người là sử dụng một con búp bê gỗ có súng lục để giết nạn nhân. Một con búp bê kích thước thật đứng trong một căn phòng. Một người đàn ông ngủ trong phòng bị bắn chết bằng súng lục vào giữa đêm. Cánh cửa bị khóa từ bên trong, và không có dấu hiệu của việc ai đó vào từ bên ngoài. Khi kiểm tra kỹ hơn, con búp bê được phát hiện đang cầm một khẩu súng lục trong tay phải. Khẩu súng vừa mới bắn ra một viên đạn. Con búp bê đã giết người đàn ông.
Khi sự thật được hé lộ, tất nhiên có một kẻ thủ phạm con người đứng sau. Hắn đã đặt một chiếc bình gì đó ngay trên con búp bê, và nó đã liên tục rơi những giọt nước như mưa lên tay của con búp bê đang cầm khẩu súng. Điều này tiếp diễn trong vài giờ cho đến khi gỗ ẩm lên và ngón tay của con búp bê di chuyển, kéo cò súng và bắn viên đạn.
Một ý tưởng lạ lùng hơn nữa là sử dụng mặt trời làm hung thủ. Dĩ nhiên, tôi không nói về say nắng. Trong quyển The Stranger [Người dưng] của Camus, nhân vật chính sát hại một người đàn ông vì ánh mặt trời, điều đó không nhất thiết chỉ mang tính tâm lý. Có một lý giải hoàn toàn duy vật cho điều đó.
Một người đàn ông bị bắn chết trong một căn phòng khóa chặt. Một khẩu súng săn đặt sẵn trên bàn, cách nạn nhân một khoảng, và người ta xác định rằng viên đạn đã được bắn ra từ khẩu súng. Nhưng không có dấu vết nào của sự đến đi của kẻ giết người. Vì khẩu súng không thể tự bắn, điều này tạo nên một vụ án cực kỳ khó giải quyết. Một thám tử nổi tiếng xuất hiện tại hiện trường và tuyên bố: “Đấy là việc của mặt trời và một cái bình nước.” Cốt truyện trở nên hấp dẫn hơn.
Thám tử giải thích rằng ánh sáng mặt trời chiếu qua cửa sổ và chiếu vào cái bình nước trên bàn, biến chiếc bình hình chai thành một kính lúp. Thế là nó chiếu bắn vào dây diêm của khẩu súng săn cổ điển, vô tình làm nó bốc cháy và khiến súng nổ một phát. Cơ chế này đã được sử dụng bởi nhà văn trinh thám người Mỹ Post và người Pháp Maurice Leblanc, nhưng khi tôi còn là sinh viên, tôi đã nghĩ ra cùng một ý tưởng một cách độc lập với họ và viết một câu chuyện ngắn khá non tay. Về mặt thời gian, Post và tôi viết câu chuyện của mình gần như cùng một lúc, trong khi Leblanc thì sau này mới làm.
HAI CĂN PHÒNG
Một người đàn ông, ông A, được một người đàn ông khác, ông B, mời đến văn phòng của ông ta trên tầng một của một tòa nhà khi đã canh khuya. Họ uống rượu và trò chuyện, trong khi ông B cẩn thận quan sát khoảnh khắc ông A mất cảnh giác. Cơ hội xuất hiện, ông B bất ngờ lao vào, bịt miệng và trói tay chân ông A vào ghế sofa. Sau đó, ông ta mang vào một chiếc hộp đen phát ra tiếng tích tắc như đồng hồ – một quả bom hẹn giờ được cài đặt để phát nổ sau một khoảng thời gian nhất định.
"Đây là khoảng thời gian còn lại của anh," ông B nói, rồi nhét chiếc hộp dưới ghế sofa và bỏ đi. Ông A kinh hoàng tột độ và vùng vẫy để thoát ra, nhưng chẳng mấy chốc ông ta mất ý thức. Loại rượu ông uống đã bị pha một liều thuốc an thần cực mạnh.
Ông ta không biết mình đã ngủ bao lâu, nhưng khi mở mắt, ông A vẫn bị trói như trước trong văn phòng của ông B. Ngay lập tức, ông nhớ đến quả bom hẹn giờ. Ông có thể nghe thấy tiếng tích tắc dưới ghế sofa. Nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường, ông thấy chỉ còn chưa đầy hai phút trước khi quả bom phát nổ. Hoảng, ông vặn vẹo người trong tuyệt vọng, và bằng cách nào đó dây trói cũng lỏng ra. Trong cơn hoảng loạn, ông vùng thoát khỏi chúng, nhưng lúc này chỉ còn lại ba mươi giây. Không chần chừ, ông lao ra khỏi phòng. Cuối hành lang có một cánh cửa dẫn ra ngoài. Theo trí nhớ của ông, bên ngoài cánh cửa đó chỉ có ba bậc thang đá là ông sẽ đến được nơi an toàn. Ông lao đến cánh cửa, và thật may mắn, nó không bị khóa. Ông mở cửa và bước qua ngưỡng cửa.
Ngay khoảnh khắc đó, ông A hét lên khi rơi xuống một cái hố sâu thẳm. Làm sao lại có một cái hố sâu đến vậy? Chính ở đây là điểm mấu chốt của kế hoạch. Ông A tin rằng mình đang ở tầng một, nhưng thực ra ông đã bị đưa lên tầng chín. Cánh cửa mà ông nghĩ là lối ra ngoài thực chất lại là cửa của thang máy, và ông rơi thẳng xuống hố thang máy. Dĩ nhiên, ông A mất mạng.
Tên sát nhân, ông B, đã dựng lên một căn phòng trên tầng chín giống hệt văn phòng của hắn trên tầng một. Khi ông A bị gây mê, hắn kéo ông lên tầng chín và trói vào một chiếc ghế sofa y hệt như chiếc ở tầng một. Ông B cũng gỡ bỏ bảng hiệu đánh dấu cửa thang máy trong hành lang.
Thủ thuật này dựa vào hai căn phòng giống hệt nhau đến từng chi tiết – từ thảm trải sàn, giấy dán tường, ghế, bàn, tranh treo tường, đồng hồ treo tường, v.v. Vì cái chết của ông A do rơi xuống hố thang máy được cho là một tai nạn, kẻ sát nhân đã tránh được sự nghi ngờ. Ngay cả khi ai đó phát hiện rằng các căn phòng trên tầng một và tầng chín được trang trí giống hệt nhau, cũng rất khó để chứng minh rằng điều này có liên quan trực tiếp đến cái chết của ông A.
Đây là một câu chuyện được viết cách đây hơn ba mươi năm, nhưng tôi thấy nó vô cùng hấp dẫn và ấn tượng vẫn còn vẹn nguyên.
Nhiều năm sau, hai nhà văn trinh thám lỗi lạc người Mỹ, John Dickson Carr và Ellery Queen, đã sử dụng thủ thuật "hai căn phòng" theo cách khác. Đặc biệt, Queen đã xuất sắc mở rộng thủ thuật này thành "hai tòa nhà" trong một cuốn tiểu thuyết kể về một tòa nhà đá ba tầng lớn biến mất không dấu vết chỉ sau một đêm.
CHUYẾN TÀU BIẾN MẤT
Nhắc đến những vụ mất tích bí ẩn, một tác giả trinh thám nổi tiếng người Anh đã nghĩ ra một ý tưởng thực sự kỳ quặc. Một đêm nọ, khi một đoàn tàu chở hàng dài từ Ga X đến Ga Y, một toa tàu ở giữa bỗng dưng biến mất. Toa tàu này chắc chắn có mặt khi đoàn tàu rời Ga X, nhưng dù đoàn tàu không hề dừng lại trên đường đến Ga Y, nó vẫn biến mất như khói. Toa tàu này chứa nhiều tác phẩm nghệ thuật vô giá. Dĩ nhiên, chúng cũng đã bị đánh cắp. Việc một toa tàu nằm ngay giữa đoàn tàu đang di chuyển lại có thể biến mất là điều hoàn toàn bất khả thi. Bối rối vì không hiểu ai có thể thực hiện được điều này, độc giả lật từng trang sách với sự hồi hộp đến nghẹt thở.
Vậy tác giả đã làm thế nào để biến điều không thể thành có thể? Ông đã nghĩ ra một thủ thuật ảo thuật thực sự táo bạo.
Giữa Ga X và Ga Y, có một tuyến đường sắt nhánh bị bỏ hoang nằm sâu trong vùng núi hoang vắng. Kẻ chủ mưu đã tận dụng tuyến đường này. Nếu hắn có thể đưa toa tàu chở hàng mục tiêu vào tuyến nhánh, sau đó nối lại nửa sau của đoàn tàu và gửi nó đến Ga Y an toàn, thì kế hoạch biến mất sẽ thành công.
Ba đồng phạm được yêu cầu thực hiện kế hoạch. Đồng phạm A lẻn vào đoàn tàu chở hàng, Đồng phạm B chờ sẵn tại điểm chuyển đổi của tuyến nhánh, và Đồng phạm C nhảy vào toa tàu đang lao xuống tuyến nhánh để đạp phanh.
Trước khi đoàn tàu rời ga, những sợi dây thừng dày với móc hai đầu được giấu trong toa hàng. Ngay khi tàu rời Ga X, Đồng phạm A móc dây vào các toa phía trước và phía sau, chạy dọc theo bên ngoài toa tàu mục tiêu. Nhờ vậy, sợi dây nối liền các toa trước và sau với nhau.
Khi tàu đến gần tuyến nhánh, A tháo chốt nối giữa toa trước và toa sau, chỉ để lại dây thừng giữ chúng lại. Đồng phạm B, đang chờ ở điểm chuyển đổi, quan sát bánh trước của toa tàu mục tiêu băng qua chỗ rẽ rồi nhanh như chớp gạt cần, chuyển hướng toa tàu này vào tuyến nhánh. Hắn cũng ngay lập tức gạt công tắc trở lại ngay khi bánh sau của toa tàu mục tiêu đã rời khỏi đường chính. Nhờ vậy, chỉ có toa tàu mục tiêu rẽ vào đường nhánh, trong khi các toa còn lại tiếp tục chạy trên đường chính, được kéo đi bởi dây thừng. Đồng phạm C nhảy vào toa tàu đơn độc trên tuyến nhánh và dùng hết sức đạp phanh, dừng toa tàu lại ngay giữa một khu rừng rậm rạp, nơi chúng có thể thong thả vận chuyển các tác phẩm nghệ thuật bên trong đi.
Đồng phạm A, vẫn đang trên tàu, nhảy lên toa phía trước ngay khi toa mục tiêu bị tách ra, nắm chặt thang sắt cạnh khớp nối và thu mình lại. Khi đoàn tàu đến gần Ga Y và tốc độ giảm dần, quán tính kéo nửa sau của đoàn tàu (được giữ bởi dây thừng) lại gần nửa trước và va chạm với nhau. Đồng phạm A không bỏ lỡ cơ hội khóa chặt các mạch khoá nối giữa hai nửa và ném cuộn dây thừng xuống đất. Sau đó, hắn nhảy khỏi tàu, thu dọn dây thừng và lẩn trốn. Như vậy, một toa tàu chở hàng từ Ga X đến Ga Y đã biến mất một cách kỳ diệu như làn khói.
Nhắc đến những chuyến tàu biến mất, Arthur Conan Doyle đã nghĩ ra một ý tưởng còn kỳ lạ hơn thế. Một chuyến tàu tốc hành đặc biệt, gồm toàn bộ các toa dành riêng (loại thường được sử dụng ở Anh), biến mất như một bóng ma giữa hai ga A và B.
Ga B nhận được một cuộc điện thoại thông báo rằng chuyến tàu đang di chuyển từ Ga A, nhưng dù chờ bao lâu, tàu cũng không bao giờ đến nơi. Thay vào đó, chuyến tàu khởi hành ngay sau nó từ Ga A lại đến Ga B. Khi nhân viên ở Ga B hỏi người lái tàu xem chuyến tàu trước có bị trục trặc gì trên đường không, họ nhận được câu trả lời rằng không hề thấy dấu hiệu nào của chuyến tàu đó. Con tàu biến mất như thể nó đã bay lên không trung. Trên tuyến đường cũng không hề có nhánh rẽ nào.
Khi thủ đoạn này được hé lộ, nó lại trở thành một tội ác liên quan đến nhiều đồng phạm, những người đã lén lút ẩn nấp trên tàu mà không ai hay biết, ngay cả vị quý ông đáng kính đã thuê chuyến tàu. Mặc dù không có nhánh rẽ nào giữa Ga A và Ga B, nhưng trước đây đã từng có một tuyến đường dẫn đến một mỏ. Vì mỏ này đã bị bỏ hoang từ lâu, nên tuyến đường đó không còn cần thiết nữa, và để tránh tai nạn, các đường ray đã được dỡ bỏ khỏi khu vực gần với tuyến đường chính. Vì vậy, không ai nghiêm túc mà để tâm tới nó. Nhưng tên chủ mưu của vụ án đã tận dụng điều này để làm lợi cho mình. Nhóm đồng phạm của hắn mang một lượng ray tới đó và dưới lớp bóng tối, nhanh chóng khôi phục lại nhánh đường ray đến mỏ hoang. Một đồng phạm khác lên tàu trước khi chuyến tàu khởi hành và dùng súng đe dọa kỹ sư, ép ông ta lái tàu xuống nhánh đường vừa được dựng lên vội vàng. Kỹ sư phải tăng tốc tàu lên hết công suất, sau đó cả ông ta và kẻ cầm súng cùng nhảy ra khỏi tàu khi nó lao thẳng về phía mỏ. Cuối nhánh đường ray là một hố sâu khổng lồ, nên cả tàu, với tất cả hành khách và nhân viên, lao thẳng xuống đáy một cái hố sâu. Không có nhà cửa nào xung quanh vùng núi hoang vu này, và các đường ray dẫn đến mỏ được che chắn bởi những vách đá cao, vì vậy từ xa, không ai có thể nhìn thấy chuyến tàu điên cuồng mất kiểm soát lao đi.
Có khá nhiều ý tưởng kỳ lạ về những cái chết giả. Một phương pháp là sử dụng nghề nghiệp của một người để tạo ra vụ án giết người trông như một vụ tự sát.
Trong một căn phòng của một căn hộ, thi thể của một người đàn ông được tìm thấy, người đã tự sát bằng cách bắn một viên đạn vào miệng mình. Cạnh anh ta là một khẩu súng. Khẩu súng có dấu hiệu đã được bắn, và các dấu vân tay trên bề mặt khẩu súng đều là của người chết. Tự nhiên, vụ việc được cho là một vụ tự sát. Sau tất cả, không có dấu hiệu nào của sự chống cự khi đưa đầu súng vào miệng, điều này sẽ không thể xảy ra nếu đó là một vụ giết người.
Nhưng thực ra, chính là vụ giết người. Chỉ có một nghề nghiệp có thể được sử dụng để làm cho vụ giết người này trông như một vụ tự sát: kẻ giết người là một nha sĩ. Không phải là một chuyên gia về cổ họng không thể làm được điều này, nhưng nha sĩ thì thuận tiện hơn. Khi nha sĩ đang điều trị cho một người mà anh ta có mối hận thù, anh ta sẽ giấu khẩu súng trong miệng của bệnh nhân và bóp cò. Bệnh nhân nhắm chặt mắt và miệng mở to. Đây là một tội ác hoàn hảo. Chỉ còn lại việc kéo thi thể đến một căn hộ trống ở khu vực khác trong thành phố, và đặt khẩu súng có dấu vân tay của nạn nhân cạnh thi thể. Đây là một câu chuyện ngắn của một tác giả Anh ít nổi tiếng.
Một ví dụ khác là làm cho người khác nghĩ rằng bạn đã chết – thủ thuật này là xóa bỏ sự hiện diện của bạn khỏi thế giới. Điều này rất khó thực hiện nếu không đáp ứng được một vài điều kiện, nhưng vào một sáng sớm, một người đàn ông mà chúng ta sẽ gọi là ông A, bị ngã từ một mỏm đá ở bờ biển trong một cơn bão lớn. Người bạn chứng kiến cảnh này, vội vã chạy đến mỏm đá trong sự hoảng hốt và gọi tên ông A nhưng không có hồi âm. Ông A tái mét và bất tỉnh. Người bạn không thể không kết luận rằng ông A đã chết. Để chắc chắn, người bạn kiểm tra mạch của ông A ở cổ tay phải, và nó đã hoàn toàn ngừng đập, vì vậy anh ta vội chạy đến ngôi nhà gần nhất để báo cho bác sĩ và cảnh sát. Khi người bạn không còn trong tầm nhìn, ông A đã tỉnh dậy táo bạo đứng dậy và bỏ chạy. Sau đó, người ta xác định rằng thi thể của ông A đã bị sóng cuốn ra biển. Như vậy, ông A đã xóa bỏ chính mình khỏi thế giới.
Làm thế nào mà ông A có thể ngừng mạch đập? Đó là một chiêu trò của ảo thuật gia. Dưới cánh tay của ông, ông giữ một vật giống như quả bóng nhỏ, ép vào phía bên của mình, tạo áp lực lên động mạch ở cánh tay. Kết quả là, mạch đập ở cổ tay của ông biến mất. Kẻ thủ phạm khéo léo đã tận dụng một trò ảo thuật khéo léo. Đây là một tình huống trong một tác phẩm của Carr.
Một thi thể úng nước được phát hiện đã chết trôi trên một con sông. Một cuộc khám nghiệm tử thi được thực hiện và kết luận người đàn ông này là một nạn nhân thông thường của việc chết đuối. Nhưng thực tế đây là một vụ án giết người. Kẻ giết người đã đổ đầy nước sông vào một cái chậu rửa và mang nó trở lại phòng của mình. Hắn mời người đàn ông mà hắn dự định giết đến, chờ đợi cơ hội và sau đó đẩy đầu của nạn nhân xuống, buộc mặt hắn vào trong cái chậu. Cuối cùng, người đàn ông ngừng vật lộn. Hắn nuốt nước sông vào dạ dày và phổi, và chết ngạt. Kẻ giết người lén lút ném thi thể xuống sông. Kỹ thuật này đã được nói đến từ lâu, nên hầu như ai cũng đã nghe nói về nó, nhưng nó lần đầu tiên xuất hiện trong một tiểu thuyết của Crofts. Ý tưởng về việc một người đàn ông chết đuối trong một cái chậu nhỏ là điều kỳ lạ, ít nhất là phải nói vậy. Nhưng ngoài phạm vi của tiểu thuyết, nạn nhân thực sự sẽ phải là một người bất lực để một tội ác như vậy có thể xảy ra.
Một người nhất định được khuyến khích luôn đeo một mảnh vải quanh cổ, được làm từ sợi của một loại cây có đặc tính co rút cực độ khi tiếp xúc với nước. Điều này có thể thực hiện tốt với một bác sĩ và một bệnh nhân phàn nàn về vấn đề cổ họng. Địa điểm tốt nhất sẽ là một nơi trong vành đai xích đạo. Hoặc có thể đặt trong một chuyến tàu thủy đi qua xích đạo. Bỗng một cơn mưa nhiệt đới trút xuống. Mọi người vui mừng và phơi mình dưới làn mưa mát mẻ. Đột nhiên, mảnh vải quấn quanh cổ của nạn nhân bắt đầu siết lại với một lực đáng sợ. Người đó vật lộn tuyệt vọng khi hơi thở của mình bị cắt đứt. Tôi đã đọc về tình huống này trong một bài tiểu luận tội phạm, nhưng tôi không biết tên loại cây đó. [*]
Chú thích:
[*]: Ở đây Ranpo nói đến The President’s Mystery Story (Chuyện li kì của ngài Tổng thống - 1935) phát sinh từ một thử thách do Franklin D. Roosevelt đưa ra trong một bữa trưa tại Nhà Trắng: làm thế nào để một triệu phú biến mất và sống cuộc đời mới? Sau này, biên tập viên Fulton Oursler (1893–1952)- bút danh Anthony Abbott - đã nhận lời thử thách này. Cuốn sách được xuất bản là một sự hợp tác giữa Oursler và năm tác giả trinh thám hàng đầu khác. Tổng thống Roosevelt được đề là đồng tác giả trên bìa.
Từ Linh chuyển ngữ qua bản tiếng Anh của Seth Jacobowitz