R. M. Ballantyne có một khí chất tuyệt vời, đó là một con người xê dịch, một người biết thưởng thức cuộc sống trong chính những hồi hộp hiểm nguy của đời thường, luôn thấy đời thường mới là cuộc phiêu lưu lớn nhất. Ông cũng luôn thấy chúng ta đang sống trong “thời đại anh hùng” (chứ không phải thời đại hèn nhát mà Thomas Carlyle nói trong “Past and Present”). Nhân dịp ra cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông trong tiếng Việt, chúng tôi xin trích đăng toàn bộ phần hồi ức của ông khi viết “Đương đầu với lửa” - những đêm ông đi theo đội cứu hoả London.
Những đêm cùng Đội Cứu Hỏa - R.M Ballantyne
Trích từ "Hồi ức cá nhân trong nghề làm sách, và một vài truyện ngắn" của R.M. Ballantyne, tên gốc: Nights with the Fire Brigade.
https://www.gutenberg.org/cache/epub/21755/pg21755-images.html (Đoạn này ở chapter 4)
Đây là chương 4 của cuốn sách này, là một bài ký, có giá trị như tư liệu lịch sử về nghề cứu hoả, giúp bổ sung cái nhìn cho quyển sách. Qua đây, tác giả cũng chỉ ra một số phương án khi gặp hoả hoạn, bằng kiến thức uyên thâm của thế kỷ XIX. Những đêm cùng Đội Cứu Hỏa
Từ Linh chuyển ngữ từ bản gốc tiếng Anh
—
Thử hỏi trên cõi đời, có mấy kiếp người dám sánh với cái nghiệp của người lính cứu hoả thành Luân Đôn, một cái nghiệp mà mỗi khắc trôi qua là một lần đùa với tử thần, một chuỗi dài những phen hú vía, những cuộc phiêu lưu kỳ lạ đến rợn người?
Cái nghiệp ấy nó bắt người ta phải căng như dây đàn, mắt lúc nào cũng phải mở thao láo, tai lúc nào cũng phải dỏng lên nghe. Chẳng một khắc nào, dù là ban ngày sáng tỏ hay đêm khuya tịch mịch, hắn dám coi là của riêng, là của mình để mà ngơi nghỉ, trừ những bận hiếm hoi đến lạ lùng được cấp trên cho phép rời vị trí. Nếu không phải ngủ say ngay trong bộ quần áo tác chiến còn ám khói, thì hắn cũng phải đặt chúng ngay ngắn bên mình - một thói sắp đặt đã thành thông lệ, chỉ chờ có tiếng chuông động là xỏ vội vào người, nhanh như chớp mắt.
Hễ chuông vang lên, xé tan màn đêm, thì đừng có mơ màng ngáp vặt, chẳng có màn dạo đầu khoan thai nào từ chỗ ngủ mơ sang cõi thực đâu. Hắn phải xỏ ngay vào đôi ủng lúc nào cũng như đợi, kéo vội chiếc quần, vừa lao xuống phố vừa vội vàng cài nốt cái quai đeo, chiếc mũ đồng sáng choang đã ngự trên đầu, ngồi cho vững trên cỗ xe cứu hoả, rồi phóng đi như một con mãnh long cuồng nộ - tất cả xin thưa chỉ vỏn vẹn trong vòng ba phút đồng hồ kể từ khi có "lệnh gọi", hoặc có khi còn nhanh hơn thế nữa, nếu không muốn ví tiền của mình lại mỏng đi vì án phạt.
Nói cho cùng, người lính cứu hoả thành Luân Đôn lúc nào cũng phải mang gan đối mặt với tử thần. Tiếng chuông vừa dứt, hắn nào có hay mình sắp phải vật lộn với một cái ống khói cháy âm ỉ chẳng có gì đáng kể, hay là một trận đại hỏa hoạn kinh thiên động địa bên bờ sông, nơi cơ nghiệp bạc vạn của người ta có thể tan thành tro bụi trong khoảnh khắc, và cả cái sinh mạng bé nhỏ của hắn cũng có thể theo đó mà đi tong. Thường xuyên hơn cả đám lính tráng ngoài mặt trận hay đám thủy thủ lênh đênh trên biển cả, hắn có thể bị điều đến một chốn mà hy vọng sống sót chỉ còn leo lét như ngọn đèn trước gió, vậy mà hắn vẫn cứ tuân lệnh, với một lòng quả cảm không chút nao núng.
Nghiệp ấy vắt kiệt sức người, không cho một khắc ngơi nghỉ. Cái địa bàn mà Đội Cứu hỏa Luân Đôn phải lo liệu, nó rộng lớn đến nỗi, việc bị điều động vào trận chiến là liên miên, bất kể ngày đêm - dĩ nhiên, phần nhiều là vào những khi màn đêm buông xuống. Mới một khắc trước, hắn có thể đang ung dung ngồi đánh bóng mấy cái "đồ đồng" trên cỗ xe, hay tếu táo vài câu với đám bạn đồng ngũ, hoặc khoan thai lật giở một cuốn sách cũ, hay thiu thiu gà gật trên chiếc giường ọp ẹp, thì ngay khắc sau, hắn đã phải gồng mình lên mà chiến đấu dữ dội với cái thứ giặc lửa hung tàn. Không giống những người hùng cứu hộ biển, có thể ngả lưng yên giấc khi mặt nước phẳng lặng như tờ, hắn thì lúc nào cũng phải mở to mắt mà canh chừng; bởi lẽ, kẻ thù của hắn là một tên giặc lẩn khuất, rình rập - tựa như gã mọi da đỏ bất thần xồ ra tấn công khi mi ít đề phòng nhất, và chỉ gầm lên tiếng xung trận man rợ khi đã nắm chắc phần thắng trong tay. Cái đốm lửa con con, thoạt tiên chỉ là một que diêm leo lét, nó cứ âm thầm, len lỏi như một con rắn độc trong khi người lính gác, ủng đeo thắt lưng chỉnh tề, vẫn đăm đăm canh giữ tại trạm. Nó cứ rình rập, chờn vờn, cho đến khi tích đủ cái sức mạnh ma quái của nó, rồi mới chịu phùng mang trợn mắt, gầm lên một tiếng dữ dội, thách thức cái gan góc của con người một cách ngạo ngược.
Mà lạ thay, ngay cả khi tưởng đã dập tắt được nó ở một góc, thì nó lại thường hay bùng lên ở một góc khác, thành thử người lính cứu hoả có khi phải quay đi quay lại trận địa đến hai ba bận trong một đêm, chỉ để cay đắng nhận ra rằng kẻ thù lại đang dương oai diễu võ ở một chốn khác, và trận chiến sinh tử lại phải bắt đầu lại từ đầu.
Ấy là vào cái mùa xuân của năm một ngàn tám trăm sáu mươi bảy, tôi khăn gói quả mướp lên Luân Đôn, cốt để thu thập thêm chút tư liệu cho cuốn sách Đương đầu với lửa của mình. May mắn thay, tôi được Đại úy Shaw - bấy giờ là bậc Chỉ huy trưởng của Đội Cứu hỏa - hạ cố cho phép tôi tá túc vài tuần tại một trong những trạm chính yếu ở khu West End, để được theo chân anh em xông pha vào các đám cháy.
Trải nghiệm đầu tiên của tôi cũng có chút gọi là làm cho người ta phải nhớ đời.
Kế hoạch của tôi, không có gì là cao siêu, ấy là cứ đến trạm vào lúc tối muộn, rồi thức trắng đêm cùng những người lính gác, nín thở chờ đợi xem có "bà hỏa" nào ghé thăm không.
Chiều nọ, khi bóng hoàng hôn đã bắt đầu nhuộm tím cả một góc trời, và trước cả khi tôi kịp có chuyến "vi hành" đầu tiên đến trạm, thì một gã lực điền vai rộng, mặt mày trông có vẻ vui tính, mình vận chiếc áo khoác xanh, lưng đeo thắt lưng da, đầu đội chiếc mũ lưỡi trai nom rất chi là thủy thủ, tìm đến tận nơi tôi ở, rồi hỏi một câu gọn lỏn, rằng tôi có nhã hứng "đi xem một cái nhà vừa mới bị nổ tung vì khí ga" không.
Dĩ nhiên là tôi mừng khôn xiết, vội vàng theo gót gã. Gã dẫn tôi đến một dinh thự nom cũng bề thế, sang trọng ở khu Bayswater. Suốt dọc đường đi, gã ba hoa đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, bằng một cái giọng pha chút âm hưởng của sóng nước, bởi lẽ, gã từng là một tay lính thủy chiến thứ thiệt. Tên gã, nghe cũng có chút gì đó phong trần, là Flaxmore.
Ở đây, tôi cũng xin được nói thêm một điều, ấy là những người lính của đội cứu hỏa Luân Đôn, theo chỗ tôi biết, thì cả khi ấy và có lẽ cả bây giờ nữa, đều được tuyển chọn kỹ càng từ trong đám dân đi biển.
"Thưa ngài," Flaxmore mở lời giải thích, cái giọng đặc sệt dân biển, "thủy thủ chúng tôi là hợp nhất với cái đội cứu hỏa này, bởi lẽ, chúng tôi quen với kỷ luật sắt, quen với việc phải bật dậy bất tử bất kỳ giờ nào, trong mọi thứ thời tiết trên đời, lại còn quen cả việc leo trèo trong những hoàn cảnh hiểm nghèo đến rợn tóc gáy."
Đến nơi, chúng tôi thấy bên ngoài dinh thự, trông vẫn còn giữ được vẻ phong quang, trừ việc hầu hết các ô cửa sổ đều đã tan tành. Tuy nhiên, bước vào bên trong, thì ôi thôi, một cảnh tượng vừa buồn thảm lại vừa kỳ lạ hiện ra trước mắt. Ngôi nhà này nghe đâu mới được trang hoàng lại theo lối xa hoa nhất hạng, thế mà giờ đây, những đường gờ chạm trổ mạ vàng óng ánh, những hàng cột sơn vẽ tinh xảo và bao nhiêu thứ đồ trang trí khác, cùng với vách đất trát vữa và cả trần nhà nữa, đã bị thổi tung vào các phòng, hỗn độn kinh hoàng.
"Cũng tan tành ra phết đấy, thưa ngài," Flaxmore nói, một nụ cười hiền hậu cố nở trên môi. Tôi đành phải thừa nhận cái sự thật phũ phàng ấy, rồi hỏi xem cơ sự làm sao.
"Thưa ngài, chuyện là thế này," gã bắt đầu kể, giọng vẫn không giấu được vẻ thích thú, "trong nhà tự dưng có cái mùi khí ga kinh khủng, bà chủ nhà mới cho gọi tay thợ ga đến xem nó ở đâu, và, xin ngài cứ tin lời tôi, họ lại đi tìm nó bằng một ngọn nến! Mà lạ thay, họ lại tìm thấy thật, nó ở trong một cái tủ con con. Khí ga ấy cứ từ từ thoát ra, không tài nào ra khỏi cái tủ khốn nạn ấy được, vì cửa tủ nó khít rịt quá, thế là nó cứ lén lút len lỏi khắp nhà, giữa mấy lớp vách đất trát vữa với tường. Vừa mới bén được tí lửa, thưa ngài, là nó thổi bay cả cái nhà tan tành - như ngài thấy đó. Nó thổi bay gã thợ ga ngã chỏng gọng; (đáng đời cái thằng cha ấy!) thổi bay bà chủ văng qua cả ô cửa, rồi nó thổi bay luôn cả bà bếp - (lúc ấy đang lơ ngơ ở ngoài sảnh) - tuốt xuống tận cầu thang nhà bếp, thật là như vậy đấy; - nhưng mà, may phúc cho nhà họ, chẳng ai bị thương nặng lắm đâu, thưa ngài, chỉ là bầm dập sơ sơ vài chỗ thôi!"
Sau khi đã ngắm nghía chán chê cái dinh thự tan hoang ấy, Flaxmore lại ngỏ ý mời tôi đi xem cỗ xe cứu hỏa của gã. Gã này, xem chừng tự hào về cái cỗ máy của mình lắm, nói về nó mà cứ như một người đàn ông đang khoe vợ đẹp con khôn!
Đang trên đường chúng tôi đến trạm, thì bỗng dưng, người lái một chiếc xe buýt chạy ngang qua la lớn:
"Ới lính cứu hỏa ơi, có cháy ở phố New Bond rồi kìa."
Flaxmore chỉ kịp trao đổi một hai lời gì đó với người lái xe, rồi quay phắt sang tôi, giọng gấp gáp: "Đi thôi ngài, tôi xin mời ngài đi một chuyến cho biết!"
Thế là chúng tôi ba chân bốn cẳng chạy, xộc thẳng vào trạm. "Kéo nó ra mau, Jim ơi," Flaxmore hét lớn, ("nó" ở đây, xin thưa, chính là cỗ xe cứu hỏa). Jim, người đang làm nhiệm vụ trực, chẳng nói chẳng rằng, đội ngay chiếc mũ bảo hiểm lên đầu, rồi hì hục kéo cỗ xe ra, trong khi một đồng đội khác đã nhanh chân chạy đi tìm ngựa, và một người nữa thì í ới gọi anh em dậy. Chỉ năm phút sau, tôi đã thấy mình ngồi chễm chệ bên cạnh bảy người đàn ông mặc đồng phục xanh, đầu đội mũ đồng sáng loáng, lao vun vút qua các đường phố Luân Đôn với một tốc độ phải gọi là phi mã!
Những ai trong quý vị chưa từng một lần được thấy một cỗ xe cứu hỏa thành Luân Đôn đi chữa cháy thế nào, thì xin thưa, quý vị không thể nào hình dung nổi cái cảnh tượng đó - huống hồ là được diễm phúc ngồi chễm chệ trên chính cỗ xe! Với những người đã quen nghiệp, có lẽ nó cũng thường thôi, chẳng có gì đáng nói - tôi không dám chắc; nhưng với những kẻ lần đầu tiên trong đời được leo lên một cỗ xe như thế, rồi lao qua những đại lộ đông nghẹt người với một tốc độ điên cuồng, xé tan cả không gian; thì đó, có lẽ, là một chuyến đi kích động nhất mà người ta có thể tưởng tượng ra. Còn hơn cả một cuộc đua ngựa vượt rào! Cảm giác như mình đang cưỡi trên lưng một con ác thú, lao đầu vào tử huyệt - hoang dại, liều lĩnh đến tột cùng gan ruột của người phàm.Vậy mà không hẳn là liều lĩnh theo cái nghĩa đen của từ đó; bởi vì, trong cái trường hợp này, nó có một sự cần thiết nghiệt ngã, không thể khác được. Mỗi một khoảnh khắc, (chưa cần phải kể đến phút hay giờ làm gì cho thêm rườm rà), đều vô cùng quan trọng trong diễn biến một đám cháy, bởi lẽ, một khi nó đã làm chủ được tình thế, và bùng lên thành những ngọn lửa hung tàn, thì nó sẽ lan nhanh như chớp, và hoàn thành việc hủy diệt của mình trong nháy mắt. Những lúc như thế, chỉ một khắc lãng phí thôi cũng có thể gây ra thiệt hại đến hàng ngàn, hàng vạn bảng Anh, than ôi, và còn cả bao nhiêu sinh mạng con người nữa chứ. Điều này, những người đã chọn cái nghề chiến đấu với lửa làm lẽ sống đều biết rõ hơn ai hết. Bởi thế mới có cái sự kết hợp kỳ lạ giữa cái vẻ điên cuồng tuyệt vọng đến cùng cực ở bên ngoài, với một sự bình tĩnh, tự chủ lạnh lùng đến đáng sợ trong từng hành động của họ. Khi những người lính cứu hỏa có thể làm việc trong im lặng, họ sẽ làm như vậy. Không một lời thừa nào được thốt ra, không một giọng nói nào được cất lên một cách không cần thiết; nhưng, khi hoàn cảnh đòi hỏi thì hành trình của họ lại là một cuộc xông pha hỗn loạn, giữa một cơn bão của những tiếng la hét và những cái khoa chân múa tay đầy kịch tính!
Chính là trường hợp của lần này đây. Nếu như đám cháy ở xa tít thì họ đã phải bắt đầu cái cuộc phi nước đại của mình một cách từ tốn hơn, khoan thai hơn, vì sợ làm cho lũ ngựa phải kiệt sức mà gục ngã; nhưng mà, nó lại chẳng xa xôi gì cho lắm - có lẽ cũng chẳng hơn vài ba dặm là cùng - thế nên, họ cứ thế mà lao vút qua cái góc phố quen thuộc của mình, rồi phóng thẳng vào con đường Edgeware với một tốc độ phải gọi là tối đa.
Đến đây, thì tiếng động ầm ĩ từ cuộc hành quân của chúng tôi mới thực sự bắt đầu, bởi lẽ, đại lộ đang đông nghẹt cả xe cộ lẫn người đi bộ.
Để mà len qua một đám đông hỗn tạp như thế, mà lại không va chạm vào bất cứ một thứ gì, thì không chỉ đòi hỏi một tài lái xe phải gọi là khéo léo bậc thầy, mà còn cần đến hai người lính trên xe phải đứng hẳn dậy, rồi la hét không ngừng nghỉ một giây nào, khi chúng tôi cứ thế mà lao vun vút đi, dẹp bằng sạch mọi thứ cản đường.
Những người lính ấy la hét mà cứ như thể cái ký ức về người thuyền trưởng năm xưa vẫn còn hằn sâu trong tâm trí họ vậy, bởi lẽ, cái giọng của họ được cất lên ở một cái tông trầm và khàn đặc nhất có thể. Đôi khi, cũng có một khoảng lặng bất chợt trong chốc lát, ấy là khi một khoảng trống tương đối, chừng một trăm thước gì đó hiện ra ngay trước mắt; rồi thì, giọng họ lại gầm lên như tiếng gió gào thét giữa cơn bão, ấy là khi một gã đánh xe ngựa nào đó, hoặc là ngu ngốc, hoặc là điếc đặc chẳng biết gì, lại dám cả gan cản đường, hay là một chiếc xe buýt kềnh càng, chậm chạp, lại dọa dẫm làm ngắt quãng cái cuộc hành trình dữ dội, điên cuồng của họ. Những cái ngã tư đường, ấy chính là những cái điểm nút mà chúng tôi phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn, trắc trở. Ở đó, những người lái xe ngựa và xe tải cứ thế mà rẽ vào, hoặc băng qua cái đại lộ, tất cả đều chẳng hề hay biết gì về cái tia sét kinh hoàng đang lao tới như một thiên thạch rực lửa, với những ngọn đèn pha chiếu sáng cả một vùng trời phía trước, và những chiếc mũ bảo hiểm của những người điều khiển xe, nom nghiêm nghị, lạnh lùng, lại phản chiếu lại những tia sáng từ đèn đường và những ô cửa sổ hắt ra. Ở một cái góc phố nọ, đám đông xe cộ đông đến nỗi người lái chiếc xe cứu hỏa phải bắt đầu ghìm cương, trong khi gã Flaxmore và đám bạn đồng ngũ của gã thì lại gầm lên một tiếng phải gọi là dữ dội. Xe ngựa, xe buýt và cả đám người đi bộ nữa, toán loạn cả sang hai bên một cách phải gọi là kỳ diệu; người lái xe thấy vậy liền nới lỏng dây cương, quất mạnh chiếc roi da, và lũ ngựa lại một lần nữa rướn mình lên mà lao đi.
"Kìa, sáng rồi," Flaxmore buột miệng, khi chúng tôi đang xé gió trên phố Oxford. Đúng vào khoảnh khắc ấy, một gã đánh xe ngựa chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào lại lù lù chặn ngay đường đi. Một tiếng hét phải gọi là kinh thiên động địa đồng loạt vang lên từ tất cả những người lính cứu hỏa! Ấy thế mà gã kia chẳng hiểu tai điếc hay giả điếc vẫn cứ trơ trơ ra đó. Người lái xe của chúng tôi - trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc - gắng vừa kéo cương ngựa lại, vừa liều mạng đánh lái sang một bên; cái việc đầu tiên thì xem chừng bất khả thi, nhưng cái việc thứ hai, gã lại làm một cách tài tình đến nỗi không những tránh được chiếc xe ngựa chết tiệt kia, mà còn suýt nữa thì lao thẳng vào một cái cột đèn ở phía bên kia đường! Một vụ va chạm tưởng chừng như không thể nào tránh khỏi, nhưng may thay, Flaxmore tinh mắt đã kịp thời nhận ra mối hiểm hoạ, liền giật phắt lấy sợi dây cương ngay bên cạnh mình, rồi đánh cho lũ ngựa quay vòng lại. Chúng tôi bay vút qua, chỉ sượt nhẹ qua cái cột đèn, và chỉ ba phút sau đó, đã dừng lại khựng trước một ngôi nhà mà các tầng trên đang chìm trong biển lửa. Ba cỗ xe cứu hỏa khác, xem chừng nhanh chân hơn, đã có mặt ở đó tự lúc nào. Flaxmore và đám người của gã, chẳng nói chẳng rằng, lập tức xông thẳng vào cái ngôi nhà đang cháy ngùn ngụt ấy, mà lúc bấy giờ, nó đã gần như bị thiêu rụi đến nơi rồi. Tôi thì đứng tần ngần bên ngoài mà nhìn, nhưng chỉ một loáng sau, đã thấy trong lòng nóng như lửa đốt, chỉ muốn biết xem bên trong người ta đang làm cái quái gì, thế là cũng định liều mình bước vào. May sao, một viên cảnh sát đã kịp thời chặn tôi lại. Nhưng cũng đúng lúc ấy, Flaxmore từ trong nhà bước ra, trông gã chẳng khác nào một con chuột cống vừa mới lột xác, mặt mày thì lấm lem toàn bụi gạch với than củi. Thấy tôi muốn vào, gã không ngần ngại mà dẫn tôi theo. Ngay lập tức tôi thấy mình như đang đứng giữa một cái vòi sen nước nóng, một thứ nước mà chẳng làm cho cái áo khoác hay cái mũ của tôi được tươm tất hơn chút nào! Cũng cùng lúc đó, tôi lại thấy chân mình ngập trong một vũng nước nóng đến tận mắt cá! Hàng tấn nước chứ chẳng ít, đang được ba cái cỗ máy bơm mạnh mẽ kia đổ xối xả vào ngôi nhà, thứ nước này chảy qua biết bao nhiêu là vật liệu đang nóng bỏng như thế, thì tự dưng nó lại trở nên ấm áp dễ chịu đến lạ. Thứ đầu tiên mà tôi nhìn thấy khi vừa mới bước chân vào là một cái thác nước đang sủi bọt trắng xóa! Thì ra, đó chính là cái cầu thang, nơi mà dòng nước cứ thế mà đổ xuống, chảy tràn qua những đống gạch vữa và đủ thứ mảnh vụn rơi vãi, với một cái tiếng động mà nghe nó tựa suối Highland hùng oai! Chúng tôi cứ thế mà lội nước qua đó, nhưng cũng chẳng thể nào đi xa hơn được căn phòng ở phía trên, bởi lẽ cầu thang sập từ bao giờ. Tôi định bụng đi xuống để tìm một con đường khác mà leo lên mái nhà, thì bỗng một người lính cứu hỏa túm lấy cổ áo tôi, hét lớn một tiếng: "Đứng lại ngay, thưa ngài!" Anh ta, xem chừng, nghĩ rằng cái cầu thang ấy nó sắp sửa sập đến nơi rồi. "Chạy mau lên, thưa ngài," anh ta nói thêm, rồi mới chịu thả tôi ra. Tôi thì, nghe vậy, phóng như bay, và chỉ một thoáng sau, đã thấy mình đứng chơ vơ ngoài phố, nơi mà tôi bắt gặp một vài người lính cứu hỏa, những người đã đến đây từ trước, trông ai nấy đều mệt mỏi rã rời, đang được người ta mời cho một ly rượu mạnh. Nếu như có một trường hợp nào đó, mà một người bình thường vốn chẳng hề uống rượu, lại có thể được người ta biện minh cho cái việc uống rượu mạnh, thì đó chính là, theo thiển ý của tôi, khi mà người ta đã kiệt sức vì phải vật lộn hàng giờ đồng hồ giữa sức nóng khủng khiếp, giữa làn khói bụi mịt mù và bao nhiêu là hiểm nguy của một đám cháy - tuy nhiên, tôi lại thấy có vài ba người lính cứu hỏa ở đó, lại là những người chẳng hề động đến một giọt rượu nào.
Đúng lúc một tiếng cười lớn vang lên, ấy là do một người lính cứu hỏa, không rõ vô tình hay hữu ý, lại xoay cái vòi rồng phun thẳng vào mặt đám đông đang đứng xem, làm cho vài ba người bị ướt sũng. Tiếp theo đó, lại là một tiếng reo hò vang dội, khi một người lính cứu hỏa khác, chẳng biết bằng cách nào, đã leo được lên tận mái nhà, từ trên đó, anh ta có thể phun nước vào đám cháy một cách hiệu quả hơn nhiều. Cuối cùng thì, những nỗ lực không biết mệt mỏi của họ cũng đã được đền đáp. Trước khi đồng hồ điểm nửa đêm, ngọn lửa hung tàn đã bị dập tắt hoàn toàn, và chúng tôi lại một lần nữa leo lên xe, lái trở về Trạm Paddington, lần này thì với một tốc độ có phần thong thả, khoan thai hơn. Thế là kết thúc cái trải nghiệm đầu tiên, cũng là một kỷ niệm khó quên của tôi, về một vụ cháy ở thành Luân Đôn.
Tai nạn, như người ta vẫn thường dễ dàng tin tưởng, xảy ra như cơm bữa.
Tai nạn.
Mỗi năm, con số ấy loanh quanh đâu đó bốn chục đến năm chục bận. Như năm một ngàn tám trăm sáu mươi lăm, thì nó ra thế này:
Vết cắt cùng Vết thương rách da 12
Dập tím bầm mình 15
Gãy xương gãy cốt 2
Bong gân trật khớp 9
Bỏng lửa cùng Phỏng nước sôi 3
Mắt mũi tổn thương 5
Cộng cả thảy 46
Ông bạn vàng của tôi, anh chàng Flaxmore cũng chẳng thoát được tai ương không lâu sau đó. Gã trượt chân ngã bổ ngửa từ trên mái một ngôi nhà, độ cao cũng phải đến mười lăm bộ Anh chứ chẳng ít. Mà gã lại nặng cân, nên cú ngã cũng ra trò!
Tròm trèm hai tuần lễ, hầu như cứ chiều chiều tối tối là tôi lại mò đến cái Trạm ở phố Regent, rồi thức trắng đêm cùng anh em, bụng thấp thỏm mong sao được theo chân họ đến vài ba đám cháy cho thỏa tò mò. Cái "sảnh chờ" - người ta vẫn quen gọi cái phòng trực của trạm như thế - nó cũng chẳng rộng rãi gì cho cam, chỉ là một cái buồng con con, quanh tường thì treo lủng lẳng nào mũ đồng, nào rìu của lính cứu hỏa. Ở đó, cứ mỗi đêm, lại có hai người lính ngả lưng trên hai chiếc giường gấp sơ sài. Họ thì lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, chỉ trừ mỗi cái mũ bảo hiểm là chưa đội lên đầu. Còn đám bạn đồng ngũ của họ thì ai về nhà nấy mà ngủ, nhà cửa cũng chỉ cách trạm có vài bước chân. Đồ đạc trong cái "sảnh chờ" cũng thật là sơ sài - một cái bàn giấy kê ở góc, một tủ sách ọp ẹp, hai ghế tựa, một đồng hồ quả lắc, một chuông báo động, và bốn cái máy điện báo là hết nhẵn. Mấy cái thứ sau cùng này, chúng thuộc về một mạng lưới điện báo chằng chịt, nối từ cái trạm trung tâm đến hầu hết các trạm khác trên khắp Luân Đôn. Nhờ cái điện báo ấy, mà một "lệnh gọi" - tức là một vụ cháy được thông báo - có thể đến tai tất cả những người lính cứu hỏa toàn thành, nếu như cần kíp, chỉ trong vòng có vài ba phút đồng hồ. Những người ở gần hiện trường nhất, dĩ nhiên là phải lập tức đến đó ngay với xe cứu hỏa của mình, trong khi mỗi cái trạm ở xa lắc xa lơ hoặc mãi tận ngoại ô, thì lại phải cử một người đi bộ đến. Những người này, cứ lần lượt hết người này đến người khác mà đến nơi, rồi sẽ thay phiên cho những người đã vội vã đến trước.
Tuy nhiên, "lệnh gọi" không phải lúc nào cũng được truyền đi bằng cái thứ điện báo tân kỳ ấy đâu. Đôi khi, lại có một tiếng chuông báo động nó réo lên một cách phải gọi là điên cuồng, rồi thì một người đàn ông hay một cậu bé nào đó lại xộc vào mà la hét "cháy! cháy!" hết cả sức bình sinh. Người ta, trong những cái hoàn cảnh éo le như thế, thường là rất kích động, - có khi gần như phát điên phát dại đến nơi. Có một lần, một người đàn ông đến báo cháy mà tâm trạng hoảng loạn đến nỗi, phải gần năm phút sau, anh ta mới lắp bắp nói được cái đám cháy nó ở chỗ nào! Lần khác nữa, thì lại có đến hai người đàn ông cùng một lúc xông vào báo cháy, mà oái oăm thay, cả hai đều nói lắp mới lạ. Theo thiển ý của tôi, thì một người là nói lắp bẩm sinh, còn người kia, chắc là do quá hoảng sợ mà ra. Dù sao đi chăng nữa, thì cả hai cũng đều gần như mất trí vì kích động rồi.
"Ch-ch-ch-cháy!" một người gầm lên như hổ báo.
"Ch-ch-ch-cháy!" người kia thì la lớn như bị cắt tiết.
"Hướng nào thế?" một người lính cứu hỏa vừa hỏi, vừa bình thản cài lại cái thắt lưng, rồi đội chiếc mũ bảo hiểm lên đầu.
"B-B-Brompton!" - "B-B-Bayswater!" cả hai cùng hét toáng lên một lúc. Rồi một người lại kêu: "Tôi - tôi b-b-bảo là Brompton cơ," người kia thì lại la lối: "Tôi - tôi b-b-bảo là Bayswater mới phải."
"Phố nào mới được chứ?" người lính cứu hỏa lại hỏi.
"Ph-Ph-Phố Walton," một người kêu lên.
"Kh-Không - Đ-Đ-Đường Porchester cơ mà," tay kia gầm lên, và vừa mới dứt lời thì cái gã ở phố Walton đã đấm một cú trời giáng vào giữa hai mắt của cái gã ở đường Porchester, đánh cho hắn ta ngã lăn quay ra đất. Ẩu đả thực sự đã xảy ra, mà giữa cái lúc hỗn loạn ấy, những người lính cứu hỏa đã kịp thời kéo ra đến hai cỗ xe - và, trước cả khi hai cái gã nói lắp kia kịp tách nhau ra, thì họ đã phóng như bay rồi, một chiếc thì thẳng tiến đến Brompton, chiếc kia thì nhằm hướng Bayswater, và rồi, họ phát hiện ra rằng, như họ đã đoán trước được, thực sự là có đến hai đám cháy cùng một lúc!
Một đêm thức trắng ở "sảnh chờ" cũng đủ cho người ta mường tượng được phần nào cái công việc của người lính cứu hỏa nó ra làm sao. Tôi đã ở đó gần như suốt cả một đêm dài mà chẳng thấy có động tĩnh gì. Khoảng ba giờ sáng, hai người lính đang phiên trực mới chịu ngả lưng trên hai chiếc giường gấp để chợp mắt, còn tôi thì vẫn ngồi lì ở cái bàn giấy, lật giở những trang báo cáo về các vụ cháy xảy ra gần đây. Nơi ấy, quả thực, rất yên tĩnh - những âm thanh ồn ã của cái thành phố lớn này dường như đã im bặt cả rồi - đêm thanh vắng, và chẳng nghe thấy một tiếng động nào ngoài cái hơi thở nhẹ đều của những người đang say ngủ và tiếng tích tắc đều đều của chiếc đồng hồ quả lắc, khi tôi ngồi đó nín thở chờ đợi một đám cháy. Tôi thường hay nhìn những cây kim điện báo, và (tôi cũng thấy hơi xấu hổ khi phải thú thực điều này) mong sao cho chúng động đậy một chút, rồi cho chúng tôi "một lệnh gọi" cho đỡ buồn. Cuối cùng, khi mà tôi đã bắt đầu thấy tuyệt vọng đến nơi rồi, thì bỗng dưn chuông điện báo nhỏ nhắn lại réo lên một tiếng rất sắc. Tôi bật ngay dậy trong một chút kích động - một trong những người đang ngủ kia cũng bật dậy, nhanh như tôi vậy, nhưng lạ thay, chẳng hề tỏ ra kích động một chút nào - xem chừng, anh ta đã quá quen với những thứ báo động bất tử này rồi! Đọc qua loa cái điện báo với đôi mắt còn ngái ngủ, anh ta ngáp dài một cái, rồi nói: "Chà, chỉ là lệnh dừng vì một cái ống khói cỏn con thôi mà." Anh ta lại nằm xuống ngủ tiếp, còn tôi thì lại ngồi xuống, tiếp tục đọc sách và chờ. Chẳng bao lâu sau, người quản đốc lại đủng đỉnh xuống lầu, cốt để hút điếu thuốc cho tỉnh táo và tiện thể ba hoa vài câu chuyện phiếm. Trong vô vàn giai thoại mà anh ta kể tôi nghe, có một chuyện hơi rùng rợn một chút. Anh ta bảo, có một lần, anh ta được gọi đến một đám cháy ở khu nghĩa địa, nơi mà đám công nhân đang bận rộn lấp đầy một số hầm mộ bằng mùn cưa, rồi đóng chúng lại cho nó kín mít. Họ hút thuốc ở dưới đó, rồi chẳng may làm cháy cái đống mùn cưa, thế là lửa nó mới bén sang mấy cái cỗ quan tài, và khi những người lính cứu hỏa đến nơi, thì chúng nó đang cháy một cách phải gọi là dữ dội, mùi hôi thối và khói bụi thì mịt mù, gần như không thể nào chịu nổi - tuy nhiên, một trong những người lính, chẳng hiểu gan dạ thế nào, lại chạy bổ xuống cái cầu thang dẫn xuống hầm mộ, nhưng mà trượt chân một cái, rồi ngã lăn quay ra đất. Ngay sau đó, anh ta lại lao vội lên, mặt mày thì tái mét như ma trơi, bởi vì, anh ta kể lại, là đã ngã nhào vào giữa hai cái cỗ quan tài! Nhanh chóng trấn tĩnh lại sau cơn hoảng sợ, anh ta lại cùng đồng đội xuống dưới một lần nữa, và chẳng bao lâu sau, đã dập tắt được ngọn lửa hung tàn.
Quản đốc đi ngủ ngay sau khi kể xong cái câu chuyện nhỏ thú vị ấy, và để mặc tôi lại một mình ngồi đó suy ngẫm. Lúc sau, tiếng bánh xe lọc cọc từ xa xa vọng đến tôi. ÂM thanh ngày một gần hơn, với một cái tốc độ phải gọi là chóng mặt. Chỉ vài phút, một chiếc xe ngựa đã vút qua góc phố, rồi khựng lại ngay trước cửa, cánh cửa thì bị người ta đá cho một cái thật mạnh, trong khi cái chuông thì lại bị kéo một cách phải gọi là điên cuồng. Những người đang ngủ lại một lần nữa bật dậy, và một gã đánh xe ngựa xộc ngay vào, theo sau là một viên cảnh sát, với cái tiếng la hét quen thuộc "cháy! cháy!". Rồi tiếp theo đó, lại là cái màn "hỏi nhanh đáp gọn" - "cháy ở phố Great Portland, ngay gần đây thôi."
"Kéo nó ra mau, Bill ơi," đó là mệnh lệnh được ban ra. Bill thì, nghe vậy, lao ngay đến cái nhà để xe, tiện thể đánh thức luôn người lái xe đang ngủ gật ngang qua. Anh ta hì hục kéo ngựa ra, trong khi người kia thì lại chạy từ nhà này sang nhà khác của những người lính cứu hỏa ở gần đó, kéo chuông nhà họ đến hai lần liền. Trước cả khi ngựa kịp được thắng vào xe, thì hết người này đến người khác đã lao vội vào trạm, vội vàng đội chiếc mũ bảo hiểm lên đầu, rồi cài chặt rìu vào thắt lưng; sau đó, tất cả bọn họ đều nhanh chóng nhảy lên vị trí của mình trên xe, tiếng roi da quất lên một cái thật mạnh, và chúng tôi lại một lần nữa phóng như bay, chỉ mất có tám phút đồng hồ kể từ khi cái chuông báo động chết tiệt ấy nó bắt đầu réo lên. Chúng tôi lao vun vút qua các đường phố Luân Đôn, nhanh như một quả tên lửa với một cái vệt tia lửa kéo dài ở phía sau, bởi lẽ, cái ngọn lửa trong động cơ của cỗ xe đã được người ta đốt lên từ trước cả khi chúng tôi bắt đầu khởi hành.
Đến nơi, thì ra đám cháy chỉ còn âm ỉ ở dưới tầng hầm của ngôi nhà, và đám lính của một cỗ xe khác đã tỏa ra khắp nơi, cố tìm cho ra ổ cháy. Tôi thì cũng chẳng chịu kém cạnh, xông vào cùng với người của chúng tôi, và cái thứ đầu tiên mà tôi nhìn thấy, ấy là một cái cỗ quan tài đã được chuẩn bị sẵn sàng để dùng ngay! Người quản đốc lại dẫn tôi xuống một cái hầm rượu có mái vòm, và ở đây, lạ lùng thay, tôi lại thấy mình đang đứng giữa một rừng quan tài! Cứ như thể cái câu chuyện rùng rợn mà tôi vừa mới được nghe kể, nó đã thành hiện thực vậy. Phải có đến không dưới ba mươi cái quan tài nằm la liệt trên sàn nhà, xếp dọc theo tường. May thay, chúng nó đều còn trống rỗng cả. Thực ra thì đám cháy này xảy ra ở một xưởng chuyên làm đồ tang lễ, và, khi tôi đi xem xét khắp các ngóc ngách trong nhà, tôi lại bắt gặp thêm vài ba cái cỗ quan tài nữa, cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng để dùng ngay. Hai trong số đó, phải nói là, làm tôi rất ấn tượng. Chúng nó nằm ngay cạnh nhau. Một chiếc thì bằng gỗ đen trơn, nom rất chi là giản dị - rõ ràng là cái quan tài dành cho những kẻ nghèo hèn. Còn chiếc kia, thì lại được bọc bằng một lớp vải tốt, lại còn được trang trí bằng vàng bạc sáng loáng, mà bên trong, thì lại được lót bằng một lớp sa tanh trắng có đệm bông êm ái! Tôi đang còn mải ngẫm về cái khác biệt đến kỳ lạ giữa nơi an nghỉ cuối cùng của người giàu và kẻ nghèo, thì lại bị đám lính cứu hỏa, những người đã tìm ra và dập tắt được đám cháy, làm cho gián đoạn, thế là chúng tôi lại một lần nữa nhảy phắt lên xe, rồi phi nước đại trở về trạm. Hầu hết mọi người thì đi ngủ ngay lập tức; cỗ xe thì được đưa vào nhà remis; ngựa thì được đưa vào chuồng; đám lính gác thì lại treo mũ bảo hiểm lên tường, rồi ngả lưng trên mấy chiếc giường gấp; người quản đốc thì cũng chỉ kịp chúc tôi một câu "ngủ ngon," rồi tôi lại một mình chơ vơ giữa cái sự im lặng chỉ bị phá vỡ bởi tiếng thở sâu của những người đang say ngủ và tiếng tích tắc đều đều của chiếc đồng hồ quả lắc - đến nỗi, tôi khó mà tin được rằng những cái sự kiện sôi động, náo nhiệt của cái giờ khắc vừa mới trôi qua ấy, nó không phải là một giấc mơ sống động đến lạ thường.
Khắp Luân Đôn này, cứ cách nhau một quãng không xa, người ta lại có thể bắt gặp những chiếc thang cứu hỏa vươn cao cái đầu của chúng lên trời, nép mình trong những cái hốc tường hay những cái góc phố được tạo bởi những góc cạnh của nhà thờ hoặc các tòa nhà công cộng khác. Cứ mỗi đêm về, chúng lại được người ta đưa ra đường, đứng đó, sẵn sàng để sử dụng ngay lập tức khi cần.
Hiện nay, việc quản lý những chiếc thang cứu hỏa này thuộc về Đội Cứu hỏa. Còn khi tôi đến thăm những người lính cứu hỏa dạo ấy, thì chúng lại thuộc quyền quản lý của Hội Hoàng gia Bảo vệ Sinh mạng khỏi Hỏa hoạn, và do các Nhân viên Điều khiển phụ trách, những người mà cứ mỗi đêm, dù là mùa hè nóng nực hay mùa đông giá rét, lại ngồi trong những cái bốt gác con con cạnh mấy chiếc thang cứu hỏa, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng hành động.
Những nhân viên điều khiển này, họ ăn mặc cũng giống như những người lính cứu hỏa - chỉ khác một điều, ấy là chiếc mũ bảo hiểm của họ được làm bằng da màu đen, chứ không phải bằng đồng sáng loáng. Trông họ cũng chẳng khác người thường là mấy, nhưng đều là những người đã được tuyển chọn kỹ - từng người một, chứ chẳng phải chơi - ai nấy đều dũng cảm như sư tử đầu đàn; trung thành, rắn rỏi như thép tôi; sẵn sàng mỗi đêm, chỉ trong một cái nháy mắt, đặt cả cái mạng sống của mình vào vòng nguy hiểm, cốt để cứu vớt đồng loại khỏi cái thứ giặc lửa hung tàn. Dĩ nhiên là họ cũng được trả công cho cái công việc ấy, nhưng tiền công thì ít ỏi đến đáng thương, khi mà người ta xét đến cái giá của một lòng dũng cảm bất khuất, một nghị lực phi thường, một sức mạnh tay chân hơn người, và một sự kiên trì không hề mệt mỏi trước những hiểm nguy kinh hoàng đến rợn người.
Đây là một ví dụ điển hình về cái cách mà những chiếc thang cứu hỏa ấy được vận hành.
Ấy là vào một đêm của ngày mùng 2 tháng Ba, năm một ngàn tám trăm sáu mươi sáu, nhà xưởng của một người thợ làm ròng rọc tên là George Milne bỗng dưng bốc cháy. Ngọn lửa, nó lan đi với một tốc độ phải gọi là kinh hoàng, đánh thức cả nhà ông Milne, gồm có vợ ông và bảy đứa con thơ. Tất cả trong cơn hoảng loạn, chỉ biết tìm đường ẩn náu trên cái gác xép ọp ẹp. Ban đầu, ông Milne cũng nghĩ rằng mình có thể tự cứu lấy bản thân, nhưng mà, với bao nhiêu là đứa trẻ nhỏ đang níu áo quanh mình, ông thấy mình hoàn toàn bất lực, chẳng làm được gì. Cách đó chẳng bao xa, Henry Douglas, một nhân viên điều khiển thang cứu hỏa, đang ngồi trong cái bốt gác con con của mình, có lẽ đang lật giở một cuốn sách cũ, hoặc cũng có lẽ, đang trầm ngâm suy tư về người vợ và mấy đứa con nhỏ đang say giấc nồng ở nhà, trong khi ông thì vẫn phải đăm đăm canh giữ cái thành phố đang chìm trong giấc ngủ say này. Chẳng bao lâu sau, tiếng la hét báo cháy thất thanh vọng đến tai ông. Ngay lập tức, chiếc mũ vải mềm của ông được đổi lấy chiếc mũ bảo hiểm bằng da màu đen, và, chỉ trong vòng có vài ba giây đồng hồ, chiếc thang cứu hỏa đã lao vun vút trên đường phố, được đẩy đi bởi những bàn tay sẵn lòng giúp đỡ của đám cảnh sát và những người qua đường tốt bụng. Lần này, việc ứng cứu diễn ra rất nhanh chóng, nhưng mà, ngọn lửa thì đã cháy một cách phải gọi là dữ dội lắm rồi khi Nhân viên Điều khiển Douglas đến nơi, và toàn bộ cái phần dưới của ngôi nhà đã chìm nghỉm trong biển lửa và khói bụi đến nỗi người ta chẳng còn nhìn thấy được mấy cái ô cửa sổ nữa. Do đó, Douglas đành phải dựngthang của mình lên, đánh liều một phen, vào cái chỗ mà ông nghĩ rằng nó sẽ dẫn đến được mấy cái cửa sổ ở tầng hai, rồi ông cứ thế mà leo lên, giữa những tiếng reo hò cổ vũ của đám đông đang đứng xem. Bước vào một cái ô cửa sổ, ông cố gắng tìm kiếm trong căn phòng, (và những tiếng reo hò thì đã im bặt cả rồi, trong khi cái đám đông kích động ấy lại nhìn và lắng nghe với một sự lo lắng đến nghẹt thở - bởi vì họ biết rõ rằng người đàn ông ấy đang ở trong một cái tình thế hiểm nghèo đến tột cùng). Chỉ vài khoảnh khắc sau, ông lại xuất hiện trên cái thang, người thì gần như ngạt thở vì khói. Ông đã nghe thấy tiếng la hét ở cái phòng trên, thế là lập tức kéo cái thang phụ lên, nhờ đó mà ông leo lên được cái lan can ngay bên dưới mấy cái phòng áp mái. Ở đó, ông phát hiện ra ông Milne và cả gia đình đang túm tụm lại với nhau trong một nỗi tuyệt vọng cùng cực. Chúng ta có thể hình dung được cái niềm hy vọng nó đã trào dâng trong lòng họ như thế nào, khi mà Nhân viên Điều khiển Douglas nhảy qua làn khói dày đặc vào giữa họ; nhưng mà, chúng ta không thể nào mô tả hay hình dung nổi, (trừ phi đã từng được nghe thấy trong những cái hoàn cảnh tương tự như vậy), cái âm thanh của những tiếng reo hò vang trời dậy đất chào đón người đàn ông dũng cảm ấy, khi mà ông lại một lần nữa xuất hiện trên mấy cái bậc thang, và, (với sự giúp đỡ của một viên cảnh sát tên là John Pead), lần lượt đưa cả gia đình, hết người này đến người khác, xuống đất an toàn! Vì cái hành động quả cảm ấy, Nhân viên Điều khiển Douglas đã được Hội trao tặng huy chương bạc, còn Pead, viên cảnh sát kia, thì nhận được một cái giấy khen và một đồng vàng. Sau đó nữa, do Nhân viên Điều khiển Douglas bị ốm nặng - ấy là hậu quả của những nỗ lực phi thường trong cái lần cứu người này - Hội đã bỏ phiếu tặng cho ông một khoản tiền thưởng hậu hĩnh là 5 bảng Anh, ngoài cái tiền trợ cấp ốm đau thông thường, cốt để ghi nhận sự tán thưởng mạnh mẽ của họ đối với cái hành động cao cả của ông. Rõ ràng là trong cái trường hợp này, nếu như không có cái thang cứu hỏa ấy, thì người thợ làm ròng rọc và cả gia đình ông ta, chắc chắn là đã thiệt mạng cả rồi.
Đây lại là một trường hợp khác. Tôi xin trích dẫn lời kể của chính người điều khiển, như đã được ghi lại trong cái báo cáo thường niên của Hội Cứu Hộ Hỏa Hoạn. Tên của người điều khiển ấy là Shaw. Ông viết như sau:
"Khi tôi từ Trạm Aldersgate Street đến nơi, ngọn lửa đã lan mạnh ở phần dưới của tòa nhà, và khói bốc ra từ đó dày đặc và ngột ngạt đến nỗi không thể nào thoát ra bằng cầu thang được. Nghe tiếng kêu cứu từ tầng trên của ngôi nhà, tôi đặt Thang Cứu Hỏa của mình, leo lên tầng ba, từ đó tôi cứu được bốn người - cụ thể là bà Ferguson, hai đứa con của bà, và một người ở trọ tên Gibson. Tất cả họ đều đang dựa vào bệ cửa sổ, gần như kiệt sức. Tôi lần lượt đưa từng người xuống Thang, (độ cao gần năm mươi bộ Anh), một cách an toàn tuyệt đối; và sau đó vào phía sau nhà, đưa năm đứa trẻ nhỏ ra khỏi một cái sân nơi chúng đang gặp nguy hiểm lớn từ đám cháy."
Có một người trong Đội Cứu hỏa Luân Đôn này, quả thực, đáng được người ta đặc biệt chú ý - ấy chính là Nhân viên Điều khiển Samuel Wood. Wood đã phục vụ trong ngành này nhiều năm lắm rồi, và trong suốt cả cái sự nghiệp của mình, ông đã cứu được không dưới một trăm sáu mươi tám mạng người.
Có một lần, ông được gọi đến một đám cháy ở cái ngõ Church Lane. Ông thấy một ông Nathan nào đó đang kẹt cứng ở tầng một, chẳng tài nào xuống được cầu thang, bởi vì cái tầng trệt nó đang cháy ngùn ngụt rồi. Ông liền tháo cái thang tầng một của mình ra, rồi với sự giúp đỡ của một viên cảnh sát, đưa ông Nathan xuống dưới an toàn. Sau đó, lại được người ta báo tin rằng còn một cô hầu gái đang mắc kẹt ở nhà bếp, Wood liền vớ lấy cái xà beng, cạy tung cái lưới sắt lên, rồi đưa cô gái trẻ ấy ra ngoài bình an vô sự. Đây, tôi xin kể ra như một trường hợp cũng khá thường thôi. Nó cũng nguy hiểm đấy; nhưng chẳng đến cái mức đáng được trao tặng huy chương bạc. Tuy nhiên, cả Wood lẫn viên cảnh sát kia đều đã được trao một cái giấy khen và một khoản tiền thưởng.
Tôi cũng đã có vài lần trao đổi thư từ với Nhân viên Điều khiển Wood, người mà bộ ngực rộng của ông được phủ đầy những huy chương và huy hiệu đã giành được trong quá trình phục vụ cho Hội F.E. (Hội Cứu Hỏa). Tại một đám cháy nọ, ông đã lao vội lên cái thang cứu hỏa trước cả khi nó được dựng cho vững chắc, rồi đỡ lấy một người đàn ông tên là Middleton trong vòng tay của mình, đúng vào cái lúc mà anh ta đang định nhảy từ cửa sổ xuống.
Lần khác nữa, khi vừa mới đến một đám cháy, ông thấy gia đình nhà ấy cứ đinh ninh rằng tất cả mọi người đều đã thoát nạn, "nhưng mà," người điều khiển ấy đã viết cho tôi như thế này, "họ sớm nhận ra là thiếu mất bà cụ già. Tôi lập tức phá tung cái cửa tiệm ra, rồi đi xuyên qua lên cái chiếu nghỉ ở tầng một, nơi mà tôi phát hiện ra bà cụ đang nằm bất tỉnh. Tôi liền cõng bà cụ trên lưng, rồi bò trở lại ra cửa, và tôi rất vui mừng khi được nói rằng bà ấy giờ đây vẫn còn sống và đang khỏe mạnh lắm!"
Công việc của một người điều khiển thang cứu hỏa nó nguy hiểm đến nỗi, đôi khi chính họ lại là người phải cần đến sự cứu giúp của người khác - như cái đoạn trích sau đây sẽ minh họa cho điều đó. Nó được lấy từ một trong những cái báo cáo của Hội:
"Vụ án số 10,620.
"Trao tặng cho James Griffin, Thanh tra Phân khu K của Cảnh sát, Huy chương Bạc của Hội, vì sự hỗ trợ dũng cảm và vô cùng quý báu đã dành cho Nhân viên Điều khiển Thang Cứu Hỏa Rickell tại một Đám cháy ở quán rượu ‘Rose and Crown’, Phố Bridge, vào lúc một giờ sáng ngày 1 tháng Hai. Nếu không có sự giúp đỡ của ông ấy trong cái đêm định mệnh đó, thì rất có thể, không còn nghi ngờ gì nữa, Nhân viên Điều khiển đã phải bỏ mạng. Khi Nhân viên Điều khiển Rickell cùng với Thang Cứu Hỏa Mile End đến nơi, vì không chắc chắn rằng tất cả những người trong nhà đã thoát ra ngoài an toàn, Nhân viên Điều khiển đã một mình tiến vào ngôi nhà, mà phần trên của nó lúc ấy đang cháy một cách dữ dội; không thấy Nhân viên Điều khiển quay trở ra trong một thời gian khá lâu, vị Thanh tra mới gọi lớn tên ông ấy, và, khi không nhận được bất kỳ câu trả lời nào, đã tự mình vào nhà và leo lên cầu thang, rồi phát hiện ra Nhân viên Điều khiển đang nằm bất tỉnh trên sàn nhà. Với một chút khó khăn không nhỏ, vị Thanh tra đã đến được chỗ ông ấy, và, kéo ông ấy xuống cầu thang, đưa ra ngoài không khí trong lành, nơi mà ông ấy đã dần dần hồi tỉnh."
Khi tham gia vào các vụ cháy ở Luân Đôn, tôi thường đội một trong những chiếc mũ bảo hiểm bằng da màu đen của Đội Cứu hộ Tài sản. Cái việc này, nó có đến hai cái tác dụng: vừa bảo vệ được cái đầu của tôi khỏi những viên gạch rơi xuống, lại vừa giúp tôi đi qua được cái vòng vây của cảnh sát mà chẳng bị ai hỏi han, tra xét gì.
Sau một đêm trắng như thế, tôi thường hay về vào lúc rạng đông, bởi vì, sau cái giờ ấy thì cũng ít có đám cháy nào xảy ra nữa. Những dịp vậy tôi lại thấy vô cùng biết ơn những người bán hàng rong cà phê nhỏ bé, những người mà cứ đẩy cả cái cửa hàng và tất cả hàng hóa của mình trên một chiếc xe ba gác, rồi cung cấp cho những người thợ thuyền phải dậy sớm những cái tách cà phê nóng hổi, thơm lừng, chỉ có nửa xu một tách thôi, và cả những lát bánh mì bơ nữa chứ, cũng với một cái giá phải gọi là khiêm tốn đến lạ thường. Những cái lúc như thế, tôi mới thực sự thấm thía được cái câu nói rằng "con người ta, ở cái cõi đời này, thực ra cũng chẳng cần gì nhiều lắm đâu," miễn là nó phải nóng hổi và đủ đầy một chút.
Lửa là một cái đề tài quan trọng đến thế, một cái thứ yếu tố mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể phải đối mặt một cách đột ngột và bất ngờ đến thế, cho nên, dẫu có bị người ta cho là kẻ tự phụ, thì tôi cũng xin phép được tạm gác lại những cái hồi ức này trong dăm ba phút đồng hồ, cốt để đặt ra vài ba câu hỏi thẳng thắn, ruột gan cho quý vị độc giả của mình đây.
Đã bao giờ quý vị thử nghĩ xem, mình sẽ phải làm cái gì, nếu như cái nhà của mình nó bỗng dưng bốc cháy vào lúc nửa đêm chưa? Quý vị có biết lối thoát nào khác ra khỏi nhà mình, ngoài cái cửa trước, cửa sau và cái cầu thang quen thuộc không? Trong nhà quý vị, có sẵn một sợi dây thừng nào đủ chắc để chịu được sức nặng của một người đàn ông, lại vừa đủ dài để thả từ một cái cửa sổ trên tầng cao xuống tận mặt đất không? Chẳng có gì dễ hơn việc sắm sửa và giữ gìn một sợi dây như thế. Chỉ mất có vài ba đồng shilling là mua được ngay. Quý vị có biết mình sẽ phải làm thế nào để mà dội nước lên mấy bức tường của một căn phòng, nếu như nó đang bốc cháy ở gần trần nhà không? Một cái tách trà con con thì ăn thua gì! Một cái xoong cũng chẳng khá hơn là bao nhiêu. Còn như xô với chậu, thì dẫu cho có là người khỏe mạnh nhất, cũng chẳng tài nào mà hất được cái lượng nước nặng trịch như thế lên tận trần nhà một cách chính xác và hiệu quả cho được. Nhưng mà, ở mỗi cái cửa hàng bán hạt giống, người ta đều có bán những cái chiếc bơm tay làm vườn, mà một người đàn ông có thể dễ dàng dùng nó để mà dội nước cứu lấy tài sản của mình một cách ngon ơ.
Quý vị có rành cái cách buộc hai cái chăn bông hay hai cái khăn trải giường lại với nhau, sao cho cái nút thắt nó không bị tuột ra không? Một ngày nào đó, cái sinh mạng quý giá của quý vị có thể lại phải phụ thuộc vào một cái mẩu kiến thức cỏn con, đơn giản như vậy đấy.
Còn nữa, quý vị có biết rằng, khi phải rút lui từ phòng này sang phòng khác trước một đám cháy hung hàn, thì quý vị nên đóng chặt tất cả các cửa ra vào và cửa sổ lại phía sau lưng mình, cốt để ngăn không cho cái luồng không khí nó tiếp thêm sức mạnh cho ngọn lửa không? Quý vị có hay biết rằng, bằng cách bò bằng cả tay lẫn đầu gối, rồi giữ cho cái đầu của mình nó sát rạt xuống mặt đất, thì quý vị vẫn có thể thở được trong một cái căn phòng mà khói lửa mịt mù có thể làm cho quý vị ngạt thở đến chết nếu như quý vị cứ đứng thẳng người lên không? - và một miếng bọt biển hay một cái khăn tay ướt sũng mà bịt chặt lấy miệng và mũi, thì nó cũng sẽ giúp cho quý vị thở dễ dàng hơn nhiều giữa cái làn khói đặc quánh đấy? - Quý vị có biết rằng, có biết bao nhiêu người, đặc biệt là đám trẻ nhỏ, đã phải bỏ mạng oan uổng chỉ vì bị những người trong nhà bỏ quên trong các vụ cháy, và rằng, nếu như nhà của quý vị mà không may gặp phải hỏa hoạn, thì quý vị phải đảm bảo cho bằng được rằng mọi thành viên trong gia đình đều phải có mặt đông đủ, để mà tận dụng mọi cái phương tiện thoát hiểm có thể được người ta gửi đến cho quý vị không?
Những cái vấn đề này đáng được mọi người, đặc biệt là những bậc làm chủ gia đình, suy nghĩ một cách thấu đáo - không chỉ vì cái lợi ích của bản thân họ, mà còn vì lợi ích của những người mà Đấng Tạo Hóa đã giao phó cho họ chăm sóc, coi sóc nữa. Bởi giả sử rằng, (bất chấp cái sự khó xảy ra của một cái sự kiện oái oăm như vậy), cái nhà của quý vị thực sự đã bốc cháy rồi, thì cái sự cay đắng nó thêm vào cái nỗi tuyệt vọng của quý vị sẽ không thể nào mà tưởng tượng nổi, nếu như, giữa cái làn khói và những ngọn lửa đang lan rộng một cách hung tàn - với tử thần đang nhìn chằm chằm vào mặt quý vị, và sự cứu thoát thì gần như là vô vọng - quý vị lại buộc phải cảm thấy rằng, mình và những người thân yêu của mình, đáng lẽ ra đã có thể thoát khỏi cái hiểm nguy đang rình rập ấy, nếu như quý vị chỉ chịu khó dành cho cái việc phòng cháy, chữa cháy và thoát hiểm một chút suy tính và cân nhắc trước đó.
HẾT