Giải trí một chút, chắc bạn nhận ra hai nhà văn trong ảnh? H.P. Lovecraft sẽ nói gì về tiền bố Edgar Allan Poe?
H.P Lovecraft (1890 - 1937) - nhà văn sáng tạo ra Cthulhu huyền thoại (và Cosmic Horror) - nay dường như đã trở thành một thần tượng của nhiều độc giả Việt Nam. Nhưng ngoài các tác phẩm, HP Lovecraft là người đọc, nghiên cứu và viết phê bình tương đối hấp dẫn. Trong các tiểu luận, Lovecraft viết rất giỏi về đời thường, đồ đạc, mái nhà, thậm chí chó mèo (anh chị em nào đã đọc Lovecraft viết về chó mèo chưa?), nhưng dĩ nhiên, phần đáng chú ý nhất là khảo luận của ông về tiểu thuyết Gothic Anh, sau đó là truyện chí quái Mỹ. Lovecraft có thẩm quyền để phân biệt cho độc giả chúng ta truyện kinh dị Anh thì khác thế nào với truyện kinh dị Mỹ. Lovecraft bình luận những nhà viết kinh dị trước và cùng thời: Robert W. Chambers, Henry James, Clark Ashton Smith… Nhưng dành rất nhiều tâm huyết cho dòng chảy của Nathaniel Hawthorne (tác giả “Nhà có bảy đầu hồi”) đến Ambrose Bierce.
Màu sắc Gothic Anh được tô đậm bởi nỗi ngạc nhiên của người Anh đến khám phá xứ Mỹ mới, tạm đi khỏi truyền thống Châu Âu, đồng thời cần những hình thức tín ngưỡng mới để hợp với bản địa, tạo ra một dạng kinh dị riêng cho Mỹ, mà HP Lovecraft bình luận rằng: “xuất phát từ sự quan tâm sâu sắc về tinh thần và thần học của những người đầu tiên đến định cư, cộng với bản chất kỳ quái đáng sợ của cảnh vật mà họ bị đẩy vào. Những rừng hoang núi vắng, ẩn một nỗi doạ nạt ghê người; những đoàn người da đỏ đồng màu đồng đất, hoạ diện kỳ quái, phong tục phi nhân, như bước ra từ một gốc gác u linh” (trích từ Collected Essay, The Weird Tradition of America).
Theo Lovecraft, Edgar Poe là một tổng đề: một mặt ông có bản sắc của truyền thống mới Mỹ, nhưng một mặt ông có được cảm hứng của truyền thống gothich Anh, và kèm thêm óc duy lí của một nền khoa học kĩ thuật mới mà Poe khá thích thú. Thật ra truyện của Poe - như Sự sụp đổ của nhà Usher - mọi người đọc hẳn thấy khá rõ, Poe nặng về phân tích “chẻ tóc làm tư” đối với những nỗi sợ, thay vì chỉ nhắm đến mystery hay phong tục như truyền thống Gothic kiểu Radcliffe ở Anh. “Poe nghiên cứu bản chất của tâm và trí, thay vì chỉ nhìn vào những lề thói như trong văn học Gothic, có tri kiến đàng hoàng về nguồn gốc thực sự của nỗi sợ, điều ấy nhân đôi sức mạnh cho các câu chuyện của ông và giải phóng ông khỏi tất cả những sự phi lý vốn có trong việc doạ nạt thông thường.”
Lovecraft nói gì về Nathaniel Hawthorne? Nathaniel Hawthorne là cháu chắt của John Hawthorne - quan toà trong toà án dị giáo Salem thế kỷ XVI (xảy ra vào năm 1692 tại Salem, Massachusetts, và có liên quan mật thiết đến phong trào Thanh Giáo - một nhánh của Cải cách Tin Lành), nên ông có mối quan tâm đặc biệt đến đề tài tội lỗi - rõ nhất trong “Chữ A màu đỏ” và “Nhà có bảy đầu hồi”. Theo Lovecraft bình luận: “Trong Hawthorne, chúng ta không tìm thấy bạo lực, sự dũng cảm, sắc thái mạnh mẽ, cảm nhận kịch tính mãnh liệt, tính ác độc vũ trụ, hay nghệ thuật vô tư và khách quan như ở Poe. Thay vào đó, là một linh hồn dịu dàng bị bó hẹp bởi Thanh Giáo của New England thuở ban đầu; với nỗi sầu vương vất, và sự đau đớn trước một vũ trụ vô đạo”. Lovecraft nói kiểu viết như Hawthorne thì khó mà kế tục được: vì người ta không bắt chước được.
Ngược lại, Poe thì khác, với Lovecraft, Poe để lại một khả năng. Người ta cảm thấy có thể bắt chước, có thể luyện tập tay nghề để viết được như Poe, và hấp dẫn hơn Poe. Chính việc muốn vượt Edgar Poe trong lĩnh vực kinh dị, đã tạo ra nhiều nhà văn Mỹ viết kinh dị sau này - trong đó có Lovecraft.
Nếu ngày nay chúng ta dễ gọi Edgar Poe là ông vua kinh dị, thì điều đó chính là xuất phát từ các nhận định của HP Lovecraft.
Dưới đây là lược dịch tiểu luận của Lovecraft về Edgar Allan Poe:
Edgar Poe
Lovecraft
Từ Linh lược dịch từ bản gốc tiếng Anh, rút từ tập The Lovecraft Collectors Library, Volume I: Selected Essays
Vào những năm 1830, một ánh bình minh mới của văn chương đã hé, chẳng những ảnh hưởng trực tiếp đến lịch sử của thể loại truyện kỳ bí, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ truyện ngắn nói chung, đồng thời gián tiếp định hình các xu hướng và vận mệnh của một trường phái thẩm mỹ vĩ đại ở châu Âu. Là người Mỹ, chúng ta thật may mắn khi có thể tự hào về sự khởi đầu này, vì chính nó đã đến với chúng ta qua hình ảnh của người đồng hương vĩ đại nhưng đầy bất hạnh, Edgar Allan Poe. Danh tiếng của Poe đã trải qua những biến động kỳ lạ, và hiện nay, trong giới "trí thức tiến bộ", người ta có xu hướng giảm thiểu vai trò của ông cả với tư cách là nghệ sĩ lẫn tác động của ông; tuy nhiên, thật khó để một nhà phê bình trưởng thành và sâu sắc có thể phủ nhận giá trị to lớn trong tác phẩm của ông và sức mạnh thuyết phục của ông như một người mở ra những chân trời nghệ thuật. Đúng là có thể quan điểm của ông đã được dự báo trước, nhưng chính ông là người đầu tiên nhận ra tiềm năng của nó và mang đến hình thức hoàn thiện, thể hiện có hệ thống. Thực tế, những tác giả sau này có thể đã sáng tác những câu chuyện vĩ đại hơn ông, nhưng chúng ta phải nhận ra rằng chỉ có Poe mới dạy họ nghệ thuật này, qua cả ví dụ lẫn lý thuyết, giúp họ có thể phát triển và mở rộng những gì ông đã bắt đầu. Dù có những hạn chế nhất định, Poe đã làm điều mà không ai khác có thể làm được; và chính ông đã tạo ra câu chuyện kinh dị hiện đại dưới hình thức hoàn chỉnh và tinh túy nhất.
Trước Poe, phần lớn các nhà văn viết truyện linh dị thường làm việc trong bóng tối, thiếu hiểu biết về nền tảng tâm lý của cái sợ, và bị hạn chế bởi những quy tắc văn học sáo rỗng như kết thúc có hậu, gieo nhân nào gặt quả ấy, và nhìn chung là toàn giảng đạo lý sáo rỗng, thoả hiệp với những chuẩn mực và giá trị phổ biến, chưa kể việc việc tác giả cố gắng đưa cảm xúc cá nhân vào câu chuyện và ủng hộ những ý tưởng giả tạo của đám đông. Ngược lại, Edgar Allan Poe nhận thức rõ tính khách quan cần có của một nghệ sĩ thực thụ; ông hiểu rằng chức năng của văn học sáng tạo chỉ đơn giản là thể hiện và giải thích sự kiện và cảm xúc như chúng vốn có, không cần quan tâm đến việc chúng có xu hướng như thế nào hay chúng chứng minh điều gì—dù tốt hay xấu, hấp dẫn hay ghê tởm, kích thích hay làm nản lòng, tác giả luôn giữ vai trò là người ghi chép trung lập, khách quan thay vì là người dạy dỗ, đồng cảm hay bày tỏ quan điểm cá nhân. Poe nhận ra rằng mọi mặt của đời sống và tâm tư đều có thể là nguồn cảm hứng cho nghệ sĩ, và với bản tính nghiêng về sự kỳ bí và u ám, ông quyết định trở thành người giải mã những cảm xúc mãnh liệt và những hiện tượng thường xuyên đi kèm với nỗi đau thay vì niềm vui, sự suy tàn thay vì sự trưởng thành, nỗi sợ hãi thay vì sự bình yên—những điều này về cơ bản là trái ngược hoặc thờ ơ với sở thích và cảm xúc truyền thống của con người, cũng như sức khỏe, sự tỉnh táo và sự phát triển bình thường của nhân chi sơ.
Vì vậy, những bóng ma của Edgar Poe hiện lên trong một thứ ác tính vô cùng thuyết phục mà không ai trong số những danh sĩ đi trước có được, và đã thiết lập một tiêu chuẩn mới về chủ nghĩa hiện thực trong lịch sử của thể loại truyện linh dị - chí quái. Hơn nữa, mục đích vô tư của ông còn được hỗ trợ bởi một thái độ khoa học mà trước đây không có được; qua đó, Poe nghiên cứu bản chất của tâm và trí, thay vì chỉ nhìn vào những lề thói như trong văn học Gothic, có tri kiến đàng hoàng về nguồn gốc thực sự của nỗi sợ, điều ấy nhân đôi sức mạnh cho các câu chuyện của ông và giải phóng ông khỏi tất cả những sự phi lý vốn có trong việc doạ nạt thông thường. Khi đã trình làng như thế rồi, tất nhiên các tác giả khác bắt buộc phải tuân theo nó để có thể cạnh tranh; và theo cách này, dòng chính của các tác phẩm kinh dị bị tác động rất rõ. Chính Poe cũng tạo ra một xu hướng trong việc tinh luyện tay nghề nghệ thuật; và mặc dù so với thời nay một số ít tác phẩm của ông có vẻ hơi kịch và thô, nhưng chúng ta vẫn có thể nhận ra ảnh hưởng của ông trong những điều như việc duy trì một tâm trạng duy nhất và đạt được một ấn tượng duy nhất trong câu chuyện, cũng như việc cắt giảm nghiêm ngặt các sự kiện chỉ còn lại những gì có liên quan trực tiếp đến cốt truyện và sẽ đóng vai trò nổi bật trong cao trào. Thật sự có thể nói rằng Poe đã phát minh ra thể loại truyện ngắn dưới hình thức hiện tại. Việc ông nâng tầm bệnh tật, sự bất thường và sự suy tàn lên mức độ chủ đề có thể diễn đạt nghệ thuật cũng có ảnh hưởng sâu rộng vô cùng; vì điều này, sau khi được nhà văn Pháp nổi tiếng Charles Pierre Baudelaire đón nhận, tài trợ và quảng bá, đã trở thành hạt nhân của các phong trào thẩm mỹ chính ở Pháp, từ đó khiến Poe, theo một nghĩa nào đó, trở thành cha đẻ của các phong trào Suy đồi và Chủ nghĩa biểu hiện.
Là nhà thơ và nhà phê bình bẩm sinh, rất thích làm nhà lý luận và triết gia, Poe không phải là không có những khuyết điểm và thói vờ vĩnh. Những thái độ giả vờ học thức sâu sắc và khó hiểu của ông, những thử nghiệm vụng về trong các màn trào lộng hơi gượng, và những ác cảm bộc phát trong các phê bình của ông đều cần được đón nhận và tha thứ. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, và làm chúng trở nên nhỏ nhặt, là tầm nhìn của một bậc thầy về nỗi sợ hãi đang rình rập xung quanh và trong chúng ta, và con sâu đang giãy giụa trong vực thẳm kinh hoàng gần kề. Với khả năng xuyên thấu đến mọi sự kinh hoàng đang lở loét trong tấn tuồng tồn sinh giả tạo, và trong vở kịch trang trọng gọi là suy nghĩ và cảm xúc của con người, tầm nhìn ấy có sức mạnh để tự chiếu rọi qua những hồn ma bóng quế; cho đến khi một khu vườn nở hoa dưới ánh trăng yếm khí của nấm độc mọc lên ở nước Mỹ cằn cỗi những năm 30 và 40, mà ngay cả những sườn núi dưới của sao Thổ cũng chưa chắc đã có. Cả thơ và truyện đều gánh trên mình nỗi lo âu vũ trụ. Con quạ với chiếc mỏ hôi thối xuyên qua trái tim, những hình ma ngạ quỷ gõ chuông sắt trong những miếu đền bạo bệnh, ngôi mộ Ulalume dưới canh khuya tháng Mười, những ngọn tháp và mái vòm hãi hùng trong lòng biển, những miền hoang ngoài cõi thời-không—tất cả chúng đều nhìn chằm chằm vào chúng ta giữa những tiếng khua gõ cuồng khấu trong cơn ác mộng sôi sục của thi ca
.
Và trong văn xuôi, chính miệng hố sâu mở ra trước mắt chúng ta—những sự bất thường không thể tưởng tượng, khéo léo được gợi ý vào một sự hiểu biết nửa vời kinh hoàng qua những từ ngữ mà tâm trí vô tội của chúng ta khó có thể nghi ngờ, cho đến khi sự căng thẳng rạn vỡ trong giọng nói trống rỗng của người kể chuyện ra lệnh cho chúng ta sợ hãi trước những hàm ý vô danh của chúng; những hình ma dạng quỷ đang ngủ mê cho đến khi được đánh thức trong một khoảnh khắc sợ hãi thành một sự tiết lộ thét lên khiến chính nó điên loạn ngay lập tức hoặc bùng nổ trong những âm vang hủy diệt khó quên. Một Đại hội của những phù thủy làm người ta khiếp hãi, vứt bỏ những bộ áo nghiêm trang, hiện ra trước mắt chúng ta—một cảnh tượng càng thêm quái dị vì tài năng khoa học mà qua đó mọi chi tiết được sắp xếp và đưa vào mối quan hệ rõ ràng với sự rùng rợn quen thuộc của cuộc sống vật chất.
Các câu chuyện của Poe, tất nhiên, thuộc về nhiều loại khác nhau; trong đó có những câu chuyện mang tinh túy của nỗi sợ hãi tâm linh tinh khiết hơn những câu chuyện khác. Những câu chuyện về lý tính, tiền thân của thể loại truyện trinh thám hiện đại, không nên được đưa vào thể loại văn học kỳ bí; trong khi một số câu chuyện khác, có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi Hoffmann, lại có tính thậm huyễn, khiến chúng được xếp vào biên giới của sự kỳ quái. Một nhóm truyện thứ ba nói về tâm lý học bất thường và chứng ám ảnh theo cách mê hoảng, nhưng không kèm theo yếu tố tò mò kì bí. Tuy nhiên, một nhóm tác phẩm đáng kể khác đại diện cho văn học kinh dị siêu nhiên ở hình thức sâu sắc nhất của nó; và đã dành cho tác giả một vị trí vĩnh viễn và không thể bị lay chuyển như là thần thánh và nguồn gốc của tất cả văn học ma quái hiện đại. Ai có thể quên con tàu khổng lồ đang trôi dạt trên bờ vực của sóng lớn trong "MS. Found in a Bottle"—những điềm báo đen tối về tuổi tác không thiêng và sự phát triển quái đản của nó, thủy thủ đoàn đáng sợ với những người già không thấy, và sự lao nhanh đầy sợ hãi về phía nam dưới cánh buồm căng gió xuyên qua băng giá của đêm Nam Cực, bị một luồng quỷ dữ không thể cưỡng lại cuốn đi về một xoáy nước của sự giác ngộ kỳ lạ mà cuối cùng sẽ dẫn đến sự hủy diệt?
Sau đó là M. Valdemar vô tri, bị giữ lại bằng thôi miên suốt bảy tháng sau khi chết, phát ra những âm thanh điên cuồng ngay trước khi lời nguyền được phá vỡ, để lại hắn "một đống chất thối rữa gần như lỏng, gớm ghiếc." Trong "Narrative of A. Gordon Pym", những người du hành đến một vùng đất Nam Cực kỳ lạ của những rợ sát nhân, nơi không có gì là màu trắng và những hẻm núi đá rộng lớn mang hình dáng của những chữ cái Ai Cập khổng lồ, viết nên những bí ẩn nguyên thủy đáng sợ của trái đất; và sau đó là một vương quốc còn bí ẩn hơn, nơi mọi thứ đều trắng toát, những người khổng lồ mặc áo choàng và những con chim tuyết có lông vũ bảo vệ một thác nước bí ẩn của sương mù, từ đó chảy xuống một biển sữa nóng bỏng vô tận. "Metzengerstein" gây hãi hùng với những gợi ý độc ác về một cuộc chuyển sinh quái đản—người quý tộc điên cuồng đốt cháy chuồng ngựa của kẻ thù di truyền của mình; con ngựa khổng lồ không rõ nguồn gốc xuất hiện từ tòa nhà đang cháy sau khi chủ nhân của nó chết trong đó; mảnh thảm cổ xưa biến mất, nơi có hình con ngựa khổng lồ của tổ tiên nạn nhân trong cuộc Thập tự chinh; những pha cưỡi ngựa cuồng dại của kẻ mất trí, và nỗi sợ hãi cùng sự căm ghét con ngựa; những lời tiên tri vô nghĩa chìm đắm trong sự mơ hồ của những ngôi nhà chiến tranh; và cuối cùng, sự cháy rụi của lâu đài kẻ điên và cái chết trong đó của chủ nhân, bị đưa vào ngọn lửa và lên bậc thang rộng lớn cưỡi trên con thú mà hắn đã cưỡi một cách kỳ lạ. Sau đó, khói từ đống đổ nát hình thành một con ngựa khổng lồ. "The Man of the Crowd," kể về một người lang thang suốt ngày đêm để hòa mình vào dòng người như thể sợ phải ở một mình, có tác động yên ả hơn, nhưng cũng không thiếu nỗi sợ hãi vũ trụ. Tâm trí của Poe luôn không xa nỗi sợ hãi và sự suy tàn, và chúng ta có thể thấy trong mỗi câu chuyện, bài thơ, và cuộc đối thoại triết học của ông một sự háo hức căng thẳng để khám phá những giếng sâu thẳm của đêm tối, xuyên qua màn che của cái chết, và cai trị trong tưởng tượng như là chúa tể của những bí ẩn khủng khiếp của thời - không
Một số câu chuyện của Poe hoàn mỹ cận tuyệt về hình thức nghệ thuật, điều này khiến chúng trở thành những ngọn đèn hiệu thực sự trong lĩnh vực truyện ngắn. Poe có thể, khi muốn, tạo ra cho văn xuôi của mình một sắc thái thơ ca phong phú; sử dụng phong cách cổ điển và phương Đông hóa với những câu văn như được chạm trổ, sự lặp lại gần như Kinh Thánh, và những khổ thơ lặp lại mà các nhà văn sau này như Oscar Wilde và Lord Dunsany đã sử dụng thành công; và trong những trường hợp mà ông đã làm như vậy, ta có được hiệu ứng của một ảo tưởng lý tính gần như chất gây nghiện—một màn trình diễn thuốc phiện của giấc mơ trong ngôn ngữ của giấc mơ, với mọi màu sắc không tự nhiên và hình ảnh kỳ dị được hiện thực hóa trong một bản giao hưởng của âm thanh tương ứng. The Masque of the Red Death, Silence, a Fable, và Shadow, a Parable chắc chắn là những bài thơ theo mọi nghĩa của từ này, trừ nghĩa có vần, và sức mạnh của chúng phụ thuộc nhiều vào nhịp điệu âm thanh như vào hình ảnh thị giác. Nhưng chính trong hai câu chuyện ít rõ ràng mang tính thơ ca hơn, Ligeia và The Fall of the House of Usher—đặc biệt là tác phẩm sau—mà ta thấy những đỉnh cao nghệ thuật mà qua đó Poe đứng đầu trong giới tiểu thuyết gia viết về các cảnh tượng thu nhỏ. Đơn giản và thẳng thắn trong cốt truyện, cả hai câu chuyện này đều có phép thuật tối thượng nhờ vào sự phát triển tinh tế, xuất hiện qua việc chọn lựa và sắp xếp từng chi tiết nhỏ nhất. Ligeia kể về người vợ đầu tiên có nguồn gốc cao quý và bí ẩn, người sau khi chết trở lại nhờ sức mạnh siêu nhiên của ý chí để chiếm lấy thân xác của người vợ thứ hai; thậm chí còn áp đặt ngoại hình của mình lên xác sống lại tạm thời của nạn nhân vào giây phút cuối cùng. Mặc dù người ta vẫn than về sự dài dòng, câu chuyện vẫn đạt đến cao trào kinh hoàng với toàn bộ mãnh lực. Usher, với sự vượt trội trong chi tiết và tỷ lệ rất rõ rệt, làm hiện lên sự rùng rợn của một sự sống mơ hồ trong những vật vô cơ, và phơi bày một bộ ba sinh thể liên kết bất thường xuấn hiện cuối trang sử của một gia đình cô lập—một người anh, người chị sinh đôi của anh, và biệt thự cổ của của họ, tất cả chia sẻ một linh hồn duy nhất và gặp phải một sự hủy diệt chung vào cùng một lúc.
Những ý tưởng kỳ dị này, vốn vụng về trong tay những người thiếu tài, dưới sự ảnh hưởng của Poe trở thành những nỗi kinh hoàng sống động và thuyết phục, ám ảnh những đêm của chúng ta; và tất cả là vì tác giả hiểu một cách hoàn hảo cơ chế và sinh lý của cái sợ và cái kì quái—những chi tiết cần nhấn mạnh, những sự không tương thích và ngộ nhận chính xác cần chọn làm tiền đề hoặc yếu tố đồng hành với sự kinh hoàng, những sự kiện và ẩn dụ chính xác cần được cài cắm một cách vu vơ như là những biểu tượng tiên báo cho mỗi bước quan trọng tiến tới kết cục ghê tởm sắp đến, những sự điều chỉnh tinh tế của tích lũy và sự chính xác không sai lệch trong việc kết nối các phần lại với nhau, tạo nên sự thống nhất hoàn hảo và hiệu quả vang dội trong khoảnh khắc cao trào, những sắc thái tinh tế về giá trị cảnh vật và phong cảnh cần được chọn lựa trong việc thiết lập và duy trì tâm trạng mong muốn và làm sống lại ảo ảnh mong muốn—những nguyên lý như vậy, và hàng tá nguyên lý khác mơ hồ và khó nắm bắt đến mức không thể mô tả hoặc thậm chí hiểu hết được bởi bất kỳ người bình luận bình thường nào.
Có thể có sự kịch tính và thiếu tinh tế—chúng ta nghe nói về một người Pháp tỉ mỉ không thể chịu đựng được việc đọc Poe trừ khi là qua bản dịch thần sầu và có phong cách Gallic của Baudelaire—nhưng tất cả dấu vết của những điều đó đều bị che khuất hoàn toàn bởi một cảm giác mạnh mẽ và bẩm sinh về những thứ siêu nhiên, bệnh hoạn và khủng khiếp, thứ đã trào ra từ từng tế bào trong tâm trí sáng tạo của nghệ sĩ và đóng dấu tác phẩm kỳ bí của ông với dấu ấn không thể xóa nhòa của thiên tài tuyệt đối. Những câu chuyện kỳ bí của Poe sống động theo một cách mà ít ai khác có thể hy vọng đạt được.
Như hầu hết các tác giả thiên về tưởng tượng, Poe xuất sắc trong việc xây dựng các sự kiện và hiệu ứng tự sự hơn so với việc khắc họa nhân vật. Nhân vật chính điển hình của ông thường là một quý ông thuộc dòng dõi cổ xưa, giàu có, với vẻ ngoài đen tối, lịch lãm, kiêu hãnh, u sầu, trí thức, đa cảm, thay đổi thất thường, hướng nội, cô lập, và đôi khi có phần hơi điên rồ; thường xuyên là người có kiến văn sâu rộng trong những sở học kỳ bí, và mang tham vọng tối tăm trong việc khám phá những bí mật cấm của vũ trụ.