Howard Phillips Lovecraft: Cuộc đời thăng trầm của một Quý ông
Đây là bài viết tiểu sử khá nổi tiếng về Lovecraft, của ST Joshi
Tiểu sử ngắn này lần đầu xuất hiện trong cuốn sách H.P. Lovecraft Centennial Guidebook và được đăng lại trên website của tổ chức HP Lovecraft
Hồ Tuyền Lâm chuyển ngữ từ tiếng Anh
Howard Phillips Lovecraft chào đời lúc 9 giờ sáng ngày 20 tháng 8 năm 1890, tại tư gia ở số 454 (khi đó là số 194) phố Angell, Providence, đảo Rhode, Mỹ.
Thân mẫu ông là Sarah Susan Phillips Lovecraft, người có dòng dõi từ George Phillips khi ông đến Massachusetts vào năm 1630. Thân phụ ông là Winfield Scott Lovecraft, một thương nhân lưu động của công ty Gorham & Co., Silversmiths, tại Providence. Khi Lovecraft lên ba, cha ông suy sụp thần kinh tại một phòng khách sạn ở Chicago và được đưa về Bệnh viện Butler. Ông ở đó năm năm rồi qua đời vào ngày 19 tháng 7 năm 1898. Lovecraft dường như được cho biết rằng cha mình bị liệt và hôn mê trong suốt thời gian đó, nhưng bằng chứng còn lại cho thấy sự thật không phải vậy; gần như chắc chắn cha của Lovecraft qua đời vì tai biến có lẽ do bệnh giang mai.
Sau khi cha Lovecraft qua đời, việc nuôi dạy cậu bé được giao phó cho mẹ, hai người dì và đặc biệt là ông ngoại, nhà công nghiệp danh tiếng Whipple Van Buren Phillips. Lovecraft là một cậu bé sớm bộc lộ tài năng: biết ngâm thơ khi mới hai tuổi, biết đọc lúc ba tuổi và tập tành viết lách từ sáu, bảy tuổi. Niềm đam mê ban đầu của cậu là Nghìn lẻ một đêm, cậu đã đọc tác phẩm này khi mới năm tuổi; cũng chính thời điểm này, cậu chọn bút danh "Abdul Alhazred", người sau này trở thành tác giả của cuốn Necronomicon huyền thoại. Tuy nhiên, một năm sau, hứng thú với văn hóa Ả Rập của cậu đã nhường chỗ cho việc khám phá thần thoại Hy Lạp, qua cuốn Thời đại Thần thoại của Bulfinch và các bản truyện Iliad và Odyssey dành cho thiếu nhi. Quả thực, tác phẩm văn học sớm nhất còn lưu lại của cậu, "Bài thơ về Ulysses" (1897), là một bản diễn ca Odyssey bằng 88 dòng thơ có vần nội. Nhưng lúc này, Lovecraft đã khám phá ra thể loại truyện kinh dị, và truyện ngắn đầu tay của cậu, "Kẻ nghe trộm cao quý" (nay đã thất lạc), có lẽ ra đời từ năm 1896. Tình yêu của cậu với những điều kỳ quái được vun đắp bởi ông ngoại, người thường kể cho Lovecraft nghe những câu chuyện kinh dị ngẫu hứng theo phong cách Gothic.
Ngày bé, Lovecraft có phần cô độc và đau ốm luôn luôn, nhiều căn bệnh trong số đó dường như bắt nguồn từ tâm lý. Việc học của cậu tại Trường Slater Avenue không đều đặn, nhưng Lovecraft đã tự mình thu nạp rất nhiều kiến thức qua sách vở. Khoảng tám tuổi, cậu tìm đến khoa học, ban đầu là hóa học, sau đó là thiên văn học. Cậu bắt đầu tự làm các tạp chí bằng máy nhân bản hectograph, The Scientific Gazette (1899–1907) và The Rhode Island Journal of Astronomy (1903–07), để chia sẻ với bạn bè. Khi vào trường Trung học Hope Street, cậu nhận thấy giáo viên và bạn học đều rất hòa nhã và động viên, và cậu đã xây dựng được nhiều tình bạn bền chặt với những người bạn cùng trang lứa. Lần đầu tiên Lovecraft xuất hiện trên mặt báo là vào năm 1906, khi cậu viết một lá thư về một vấn đề thiên văn học cho tờ The Providence Sunday Journal. Ngay sau đó, cậu bắt đầu phụ trách một chuyên mục thiên văn hàng tháng cho The Pawtuxet Valley Gleaner, một tờ báo địa phương; sau này cậu còn cộng tác với The Providence Tribune (1906–08) và The Providence Evening News (1914–18), cũng như The Asheville (N.C.) Gazette-News (1915).
Năm 1904, ông ngoại Lovecraft khuất núi. Việc quản lý gia sản quá kém đã đẩy gia đình Lovecraft vào cảnh túng quẫn. Lovecraft nhỏ tuổi và mẹ buộc phải rời bỏ ngôi nhà sang trọng thời Victoria của họ để chuyển đến một căn hộ chật hẹp ở số 598 phố Angell. Lovecraft suy sụp nặng nề khi mất đi nơi mình sinh ra, và dường như đã có lúc nghĩ đến việc tự vẫn, khi cậu thường đạp xe đi thật xa và đăm chiêu nhìn xuống dòng nước sâu của sông Barrington. Nhưng niềm say mê học hỏi đã giúp cậu xua tan những ý nghĩ tiêu cực đó. Tuy nhiên, vào năm 1908, ngay trước khi tốt nghiệp trung học, cậu lại trải qua một cơn suy sụp thần kinh, buộc phải nghỉ học mà không có bằng tốt nghiệp; điều này, cùng với việc không thể vào Đại học Brown sau đó, đã trở thành nỗi mặc cảm lớn đối với Lovecraft trong những năm về sau, dẫu cho cậu là một trong những người tự học uyên bác nhất thời đại. Từ năm 1908 đến 1913, Lovecraft sống gần như một ẩn sĩ, chỉ chuyên tâm vào thiên văn học và làm thơ. Trong suốt giai đoạn này, Lovecraft rơi vào mối quan hệ gần gũi đến mức không lành mạnh với mẹ mình, người vẫn đang vật lộn với cú sốc từ bệnh tật và cái chết của chồng, và đã hình thành một tình cảm yêu-ghét phức tạp, có phần bệnh lý với con trai.
Lovecraft thoát khỏi cuộc sống ẩn dật theo một cách rất đặc biệt. Vốn có thói quen đọc các tạp chí "pulp" (tạp chí bình dân) thời bấy giờ, ông trở nên bất bình trước những câu chuyện tình cảm ủy mị của một tác giả tên Fred Jackson trên tờ The Argosy, đến độ ông đã viết một lá thư bằng thơ để chỉ trích Jackson. Lá thư này được đăng vào năm 1913, và đã dấy lên một làn sóng phản đối từ những người bênh vực Jackson. Lovecraft lao vào một cuộc bút chiến nảy lửa trên mục thư tín của The Argosy và các tạp chí liên quan, những lời đáp trả của Lovecraft hầu như luôn được viết bằng thể thơ cặp đôi anh hùng ca đầy phóng khoáng, gợi nhớ đến Dryden và Pope. Cuộc tranh luận này đã thu hút sự chú ý của Edward F. Daas, Chủ tịch Hiệp hội Báo chí Nghiệp dư Thống nhất (UAPA), một tổ chức quy tụ các nhà văn nghiệp dư trên toàn quốc, những người tự viết và xuất bản tạp chí của riêng mình. Daas mời Lovecraft gia nhập UAPA, và Lovecraft đã đồng ý vào đầu năm 1914. Lovecraft đã cho ra đời mười ba số tạp chí của riêng mình, The Conservative (1915–23), đồng thời đóng góp vô số thơ văn và tiểu luận cho các ấn phẩm khác. Sau này, Lovecraft trở thành Chủ tịch và Tổng biên tập chính thức của UAPA, và cũng có một thời gian ngắn giữ chức Chủ tịch của Hiệp hội Báo chí Nghiệp dư Quốc gia (NAPA), một tổ chức đối thủ. Toàn bộ trải nghiệm này có lẽ đã cứu vớt Lovecraft khỏi một cuộc đời ẩn dật và vô vị; như chính ông từng chia sẻ: "Năm 1914, khi bàn tay nhân ái của giới nghiệp dư lần đầu tìm đến tôi, tôi gần như sống đời sống thực vật... Với sự xuất hiện của United, tôi như được tái sinh; một cảm nhận mới mẻ về sự tồn tại, không còn là một gánh nặng thừa thãi; và tìm thấy một không gian nơi tôi cảm thấy những nỗ lực của mình không hoàn toàn là vô ích. Lần đầu tiên, tôi có thể hình dung rằng những bước dò dẫm vụng về của mình trên con đường nghệ thuật không chỉ là những tiếng kêu yếu ớt lạc lõng giữa một thế giới thờ ơ."
Chính trong cộng đồng nghiệp dư này, Lovecraft đã quay lại với việc sáng tác truyện hư cấu, điều mà ông đã gác lại từ năm 1908. W. Paul Cook và những người khác, nhận thấy tiềm năng ẩn chứa trong những truyện ngắn đầu tay như "Con thú trong hang" (1905) và "Nhà giả kim" (1908), đã khuyến khích Lovecraft cầm bút trở lại. Lovecraft nghe theo, viết liền hai truyện "Ngôi mộ" và "Dagon" vào mùa hè năm 1917 [truyện “Dagon” cũng rất nổi tiếng với độc giả Việt].
Kể từ đó, Lovecraft đều đặn cho ra đời các tác phẩm hư cấu, dù số lượng không nhiều, và cho đến ít nhất là năm 1922, thơ và tiểu luận vẫn là phương tiện biểu đạt văn học chính của ông. Lovecraft cũng dần mở rộng mạng lưới thư tín với bạn bè và đồng nghiệp, và cuối cùng, ông trở thành một trong những người viết thư vĩ đại và cần mẫn nhất của thế kỷ.
Sức khỏe tinh thần và thể chất của mẹ Lovecraft ngày một suy giảm. Bà bị suy sụp thần kinh vào năm 1919 và được đưa vào Bệnh viện Butler. Cũng như ông xã, bà không bao giờ trở về. Tuy nhiên, cái chết của bà vào ngày 24 tháng 5 năm 1921 lại là hậu quả của một ca phẫu thuật túi mật không thành công. Lovecraft suy sụp hoàn toàn trước sự ra đi của mẹ, nhưng chỉ vài tuần sau, ông đã phần nào nguôi ngoai để tham dự một hội nghị báo chí nghiệp dư ở Boston vào ngày 4 tháng 7 năm 1921. Chính tại đây, ông đã gặp người phụ nữ sau này trở thành vợ mình. Sonia Haft Greene là một phụ nữ Do Thái gốc Nga, hơn Lovecraft bảy tuổi, nhưng hai người, ít nhất là ban đầu, tỏ ra rất tâm đầu ý hợp. Lovecraft đến thăm Sonia tại căn hộ của bà ở Brooklyn vào năm 1922, và tin họ kết hôn vào ngày 3 tháng 3 năm 1924 không hoàn toàn gây ngạc nhiên cho bạn bè; nhưng có lẽ lại là một bất ngờ lớn đối với hai người dì của Lovecraft, Lillian D. Clark và Annie E. Phillips Gamwell, bởi họ chỉ nhận được thư báo sau khi hôn lễ đã cử hành. Lovecraft chuyển đến sống cùng Sonia tại căn hộ của bà ở Brooklyn, và những ngày đầu của cặp đôi có vẻ đầy hứa hẹn: Lovecraft đã tạo dựng được tên tuổi như một nhà văn chuyên nghiệp khi một vài truyện ngắn đầu tay của ông được Weird Tales, tạp chí pulp lừng danh thành lập năm 1923, đăng tải; Sonia cũng sở hữu một cửa hiệu mũ ăn nên làm ra trên Đại lộ số Năm ở New York.
Thế nhưng, sóng gió gần như ập đến ngay lập tức: cửa hiệu mũ phá sản, Lovecraft bỏ lỡ cơ hội làm biên tập viên cho một tạp chí liên kết với Weird Tales (việc này đòi hỏi ông phải chuyển đến Chicago), và sức khỏe của Sonia suy sụp, khiến bà phải điều trị tại một viện dưỡng bệnh ở New Jersey. Lovecraft cố gắng tìm việc, nhưng chẳng mấy ai muốn thuê một người đàn ông ba mươi tư tuổi không hề có kinh nghiệm làm việc. Vào ngày 1 tháng 1 năm 1925, Sonia đến Cleveland nhận việc, còn Lovecraft chuyển đến một căn hộ độc thân gần khu Red Hook tồi tàn của Brooklyn.
Dù có nhiều bạn bè ở New York—Frank Belknap Long, Rheinhart Kleiner, Samuel Loveman—Lovecraft ngày càng cảm thấy chán nản bởi sự cô đơn và những đám đông "ngoại kiều" trong thành phố. Các tác phẩm hư cấu của ông chuyển từ sắc thái hoài niệm (truyện "Ngôi nhà bị ruồng bỏ" (1924) lấy bối cảnh ở Providence) sang u ám và đầy ác cảm với con người ("Nỗi kinh hoàng ở Red Hook" và "Hắn" (cả hai đều viết năm 1924) phơi bày những cảm xúc của ông về New York). Cuối cùng, vào đầu năm 1926, Lovecraft lên kế hoạch trở về Providence, nơi ông hằng mong nhớ. Nhưng Sonia sẽ ở đâu trong những kế hoạch này? Dường như không ai biết, kể cả chính Lovecraft. Dù vẫn khẳng định tình cảm với vợ, ông đành chấp thuận khi các dì ngăn cản bà đến Providence mở cửa hàng kinh doanh; họ không muốn cháu trai mình bị mang tiếng vì có một người vợ làm nghề buôn bán. Cuộc hôn nhân thực chất đã đi đến hồi kết, và việc ly dị vào năm 1929 là điều không thể tránh khỏi.
Khi Lovecraft trở về Providence vào ngày 17 tháng 4 năm 1926, và định cư tại số 10 phố Barnes, phía bắc Đại học Brown, ông không còn thu mình lại như giai đoạn 1908–13 nữa; ngược lại, mười năm cuối đời lại là thời kỳ ông thăng hoa rực rỡ nhất, cả trên phương diện một nhà văn lẫn một con người. Cuộc sống của ông tương đối phẳng lặng—ông đi nhiều nơi, thăm thú các địa danh cổ kính dọc bờ biển phía Đông (Quebec, New England, Philadelphia, Charleston, St. Augustine); ông sáng tác những truyện hư cấu xuất sắc nhất của mình, từ "Call of Cthulhu" (1926) đến "Shadow out of time" (1934–35); đồng thời, ông vẫn duy trì khối lượng thư từ khổng lồ—Lovecraft đã tìm thấy vị trí của mình như một nhà văn kinh dị vùng New England và một người có kiến văn sâu rộng.
Ông đã dìu dắt sự nghiệp của nhiều nhà văn trẻ (August Derleth, Donald Wandrei, Robert Bloch, Fritz Leiber) [sau này Derleth có viết tiếp, và cũng có công trong việc xuất bản những di cảo của Lovecraft]; ông bắt đầu quan tâm đến các vấn đề chính trị và kinh tế, khi cuộc Đại suy thoái khiến ông ủng hộ Roosevelt và trở thành một người theo chủ nghĩa xã hội ôn hòa; và ông không ngừng tiếp thu kiến thức trên nhiều lĩnh vực, từ triết học, văn học, lịch sử cho đến kiến trúc.
Tuy nhiên, hai hoặc ba năm cuối đời của ông lại chồng chất khó khăn. Năm 1932, người dì yêu quý của ông, bà Clark, qua đời, và ông chuyển đến ở tại số 66 phố College, ngay sau Thư viện John Hay, cùng với người dì còn lại, bà Gamwell, vào năm 1933. (Ngôi nhà này hiện đã được dời đến số 65 phố Prospect.) Những truyện ngắn về sau của ông, ngày càng dài và phức tạp, trở nên khó bán, và ông buộc phải kiếm sống chủ yếu bằng việc "biên tập lại" hoặc viết thuê truyện, thơ và các tác phẩm phi hư cấu. Năm 1936, vụ tự tử của Robert E. Howard, một trong những người bạn tâm giao qua thư tín thân thiết nhất, khiến ông bàng hoàng và đau xót. Lúc này, căn bệnh sẽ cướp đi sinh mạng ông—ung thư ruột—đã trở nặng đến mức không còn nhiều hy vọng chữa trị. Lovecraft cố gắng chống chọi với cơn đau ngày một gia tăng suốt mùa đông năm 1936–37, nhưng cuối cùng phải nhập viện Jane Brown Memorial vào ngày 10 tháng 3 năm 1937, và ông qua đời năm ngày sau đó. Ông được an táng vào ngày 18 tháng 3 tại khu mộ của gia tộc Phillips ở Nghĩa trang Swan Point.
Rất có thể, khi cảm nhận cái chết đang đến gần, Lovecraft đã mường tượng đến sự lãng quên hoàn toàn dành cho tác phẩm của mình: ông chưa từng có một cuốn sách nào thực sự được xuất bản khi còn tại thế (ngoại trừ, có lẽ, ấn bản sơ sài của Cái bóng trên Innsmouth [1936]), còn truyện ngắn, tiểu luận và thơ của ông thì nằm rải rác trên vô số tạp chí nghiệp dư hoặc tạp chí pulp. Nhưng những tình bạn mà ông gây dựng chỉ qua thư từ đã không phụ lòng ông: August Derleth và Donald Wandrei quyết tâm gìn giữ những câu chuyện của Lovecraft bằng việc cho ra đời một cuốn sách bìa cứng trang trọng, và họ đã thành lập nhà xuất bản Arkham House với mục đích ban đầu là xuất bản tác phẩm của Lovecraft; họ đã cho ra mắt Kẻ ngoại cuộc và những người khác vào năm 1939.
Nhiều tuyển tập khác nối từ Arkham House, và cuối cùng, tác phẩm của Lovecraft đã được xuất bản dưới dạng sách bìa mềm và dịch ra hàng chục ngôn ngữ. Ngày nay, nhân kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của ông, các câu chuyện của ông đã có mặt trong những ấn bản được hiệu đính cẩn thận, tiểu luận, thơ và thư tín của ông được phổ biến rộng rãi, và nhiều học giả đã dày công nghiên cứu chiều sâu cũng như sự phức tạp trong tác phẩm và tư tưởng của ông. Vẫn còn nhiều điều cần khám phá trong việc nghiên cứu về Lovecraft, nhưng có thể khẳng định rằng, nhờ vào giá trị nội tại của chính tác phẩm và sự tận tâm của những người cộng sự cùng những người ủng hộ ông, Lovecraft đã giành được một vị trí tuy khiêm nhương nhưng vững vàng trong kho tàng văn học Mỹ và thế giới.
S.T. Joshi
DANH MỤC TRUYỆN CỦA LOVECRAFT XẾP THEO NĂM
Lưu ý: Chỉ tính truyện đã xuất bản, không tính bản thảo, di cảo
Các tác phẩm in nghiêng là truyện vừa (novella) hoặc tiểu thuyết (novel).Các tác phẩm bôi đậm là có trong tuyển tập sắp xuất bản
Dưới đây là danh sách các tác phẩm hư cấu của H.P. Lovecraft, bao gồm tên gốc, một tên tạm dịch sang tiếng Việt và năm sáng tác.
"The Alchemist" - "Nhà Giả Kim" (1908)
"The Tomb" - "Ngôi Mộ" (1917)
"Dagon" - "Dagon" (1917)
"A Reminiscence of Dr. Samuel Johnson" - "Hồi ức về Tiến sĩ Samuel Johnson" (1917)
"Polaris" - "Sao Bắc Đẩu" (1918)
"Beyond the Wall of Sleep" - "Vách bên kia của giấc ngủ" (1919)
"Memory" - "Ký Ức" (1919)
"Old Bugs" - "Những Vấn Đề Cũ Kỹ" (khoảng 1919)
"The Transition of Juan Romero" - "Sự Chuyển Hoá của Juan Romero" (1919)
"The White Ship" - "Con Tàu Trắng" (khoảng 1919)
"The Doom that Came to Sarnath" - "Tai Ương Giáng Xuống Sarnath" (1919)
"The Statement of Randolph Carter" - "Lời Khai của Randolph Carter" (1919)
"The Street" - "Con Phố" (cuối 1919)
"The Terrible Old Man" - "Ông Lão Kinh Khiếp" (1920)
"The Cats of Ulthar" - "Những Con Mèo của Ulthar" (1920)
"The Tree" - "Cái Cây" (1920)
"Celephaïs" - "Celephaïs" (1920)
"From Beyond" - "Từ Cõi Xa Xăm" (1920)
"The Temple" - "Ngôi Đền" (khoảng 1920)
"Nyarlathotep" - "Nyarlathotep" (khoảng 1920)
"The Picture in the House" - "Bức Tranh Trong Nhà" (1920)
"Facts Concerning the Late Arthur Jermyn and His Family" - "Sự Thật Về Cố Arthur Jermyn và Gia Tộc" (1920)
"The Nameless City" - "Thành Phố Vô Danh" (1921)
"The Quest of Iranon" - "Cuộc Tìm Kiếm của Iranon" (1921)
"The Moon-Bog" - "Đầm Lầy Ánh Trăng" (1921)
"Ex Oblivione" - "Từ Cõi Lãng Quên" (1920-1921)
"The Other Gods" - "Những Vị Thần Khác" (1921)
"The Outsider" - "Kẻ Lạc Loài" (1921)
"The Music of Erich Zann" - "Tiếng Nhạc của Erich Zann" (1921)
"Sweet Ermengarde" - "Ermengarde Ngọt Ngào" (khoảng 1919-21?)
"Hypnos" - "Hypnos" (1922)
"What the Moon Brings" - "Điều Mặt Trăng Mang Đến" (1922)
"Azathoth" (Fragment) - "Azathoth" (Mảnh truyện) (1922)
"Herbert West–Reanimator" - "Herbert West–Kẻ Hồi Sinh" (1921-1922)
"The Hound" - "Con Chó Săn" (1922)
"The Lurking Fear" - "Nỗi Sợ Hãi Rình Rập" (1922)
"The Rats in the Walls" - "Hồn chuột trong bức tường cổ" (1923)
"The Unnamable" - "Thứ Không Thể Gọi Tên" (1923)
"The Festival" - "Lễ Hội" (1923)
"The Shunned House" - "Ngôi Nhà Bị Ruồng Bỏ" (1924)
"The Horror at Red Hook" - "Nỗi Kinh Hoàng ở Red Hook" (1925)
"He" - "Hắn" (1925)
"In the Vault" - "Trong Hầm Mộ" (1925)
"Cool Air" - "Không Khí Lạnh" (1926)
"The Call of Cthulhu" - "Lời hiệu triệu của Cthulhu" (1926)
"Pickman's Model" - "Người Mẫu của Pickman" (1926)
"The Strange High House in the Mist" - "Ngôi Nhà Cao Kỳ Lạ Trong Sương" (1926)
"The Silver Key" - "Chiếc Chìa Khóa Bạc" (1926)
The Dream-Quest of Unknown Kadath - Cuộc Hành Trình Trong Mơ Tìm Đến Kadath Vô Danh (1926-1927)
The Case of Charles Dexter Ward - Vụ Án Charles Dexter Ward (1927)
"The Colour Out of Space" - "Dị sắc kỳ bí từ cõi hư vô" (1927)
"The Descendant" (Fragment) - "Hậu Duệ" (Mảnh truyện) (đầu 1927)
"The Very Old Folk" (Letter excerpt) - "Những Người Cổ Xưa" (Trích thư) (1927)
"History of the Necronomicon" (Sketch) - "Lịch Sử Cuốn Necronomicon" (Phác thảo) (1927)
The Dunwich Horror - Nỗi Kinh Hoàng Dunwich (1928)
"Ibid" - "Ibid" (Như trên) (1928)
The Whisperer in Darkness - Âm vọng từ đêm đen (1930)
At the Mountains of Madness - Tại Những Rặng Núi Điên Loạn (1931)
The Shadow over Innsmouth - Bóng Đen Bao Phủ Innsmouth (1931)
"The Dreams in the Witch House" - "Những Giấc Mơ Trong Ngôi Nhà Phù Thủy" (1932)
"The Thing on the Doorstep" - "Bí ẩn quỷ dị trên ngưỡng cửa" (1933)
"The Book" (Fragment) - "Cuốn Sách" (Mảnh truyện) (khoảng 1933)
"The Evil Clergyman" (Letter extract) - "Gã Tu Sĩ Độc Ác" (Trích thư) (1933)
The Shadow Out of Time - Cái Bóng Vượt Thời Gian (1934-1935)
"The Haunter of the Dark" - "Kẻ Ám Ảnh Bóng Tối" (1935)