1904 - Léon Frapié - La Maternelle
Trích từ Jean-Yves Le Naour và Catherine Valenti - “120 NĂM GIẢI GONCOURT: Một lịch sử văn học Pháp”. Lê Thuỳ Vinh chuyển ngữ.
Sau tác phẩm kỳ lạ Force ennemie, mùa giải Goncourt mới đã vinh danh một tiểu thuyết hiện thực thuộc hàng hàn lâm nhất. La Maternelle (Trường Mẫu giáo) là chuyện kể về một năm trải nghiệm thực tế trong một ngôi trường ở khu phố bình dân Paris; H. G. Wells nhường chỗ cho Charles Dickens. Émile Zola cũng góp mặt trên những băng ghế nhà trường, nhưng bớt đi chất thơ, thêm vào sự hài hước. [Chú thích người dịch: Nghĩa là ở đây tác giả muốn nhắc đến các phong cách ảnh hưởng đến quyển sách]
Giống như mọi nhà tự nhiên chủ nghĩa chân chính, Léon Frapié đã tìm hiểu tư liệu rất kỹ lưỡng trước khi viết nên cuốn tiểu thuyết của mình. Tác phẩm kể về một cô gái trẻ tên Rose, có học thức và bằng cấp, tốt nghiệp cử nhân văn chương, nhưng do gia đình sa sút nên buộc phải chấp nhận công việc của một người giúp việc. Vị hôn phu vốn là một đám tốt của cô đã quay lưng lại ngay khi biết của hồi môn của cô đã không còn. Thế là cô gái trẻ được nhận vào làm tại ngôi trường ở phố Plâtriers, quận Ménilmontant, nơi mà cứ hai mươi cửa hiệu thì có đến mười bốn tiệm bán rượu.
Léon Frapié không mấy khó khăn trong việc tìm kiếm tư liệu. Là chồng của một cô giáo tên Léonie, ông đã thai nghén tác phẩm của mình từ chính kinh nghiệm và những câu chuyện mà bà kể lại. Ông cũng đã đề tặng tác phẩm cho bà: "Tặng một người phụ nữ là cô giáo chân thành, và, - với đặc ân của lòng nhân hậu vô bờ, - cũng là một Người Vợ và Người Mẹ hết mực nồng nàn."
Léonie đã có một năm dạy học cách Ménilmontant không xa và ngôi trường trên phố Cendriers có lẽ đã trở thành hình mẫu để nhà văn mô tả ngôi trường hư cấu trên phố Plâtriers. Ngày nay, ngôi trường không còn nữa, tòa nhà đã được sử dụng cho mục đích khác, nhưng trên mặt tiền người ta vẫn có thể đọc thấy lời hứa của nền cộng hòa "Tự do-Bình đẳng-Bác ái".
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Frapié, L’Institutrice de province (Giáo vụ tỉnh lẻ), xuất bản năm 1897, cũng đã lấy bối cảnh trong môi trường học đường. Trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, ông gần như không bao giờ thoát khỏi đề tài này. Tờ Le Rappel đã mô tả cuốn sách đầu tiên này là "một nụ cười đẫm nước mắt cho những học trò bị quật ngã", một nhận xét không quá xa so với những gì người ta sẽ viết về La Maternelle. Với Marcelin Gayard, tác phẩm thứ hai của mình, ông được tờ Le Journal chú ý và cho rằng đó là "một tài năng trẻ sẽ sớm được biết đến". Phải đợi đến La Maternelle, ông mới thực sự gặt hái được thành công vang dội với sự đón nhận gần như nhất trí từ giới phê bình. 440.000 bản đã được bán ra! Giải Goncourt khi ấy không chỉ là một giải thưởng trị giá 5.000 franc, một số tiền đáng kể thời bấy giờ, mà còn là sự đảm bảo cho việc tác phẩm được quảng bá rộng rãi rồi bán chạy.
Với cặp kính gọng kìm, bộ ria mép hình ghi đông xe đạp và chiếc bụng phệ hiền lành, Frapié là một công chức tại Tòa thị chính Paris, sau đó là tại Tòa tỉnh Seine, thuộc phòng dịch vụ vú nuôi. Ông 41 tuổi, thỉnh thoảng giao du trong giới văn chương và đồng thời cộng tác với tờ La Petite République. Ông từng đến Médan để gặp gỡ Emile Zola, người mà ông rất ngưỡng mộ. Người ta biết ông là bạn của Charles-Louis Philippe, người đã bị loại khỏi giải Goncourt năm 1903 và với cuốn tiểu thuyết mới của mình, đã trở thành đối thủ của ông trong cuộc đua giành giải năm 1904. Viên chức văn phòng này, người thường dậy rất sớm để viết lách trước khi bắt đầu ngày làm việc, thuộc dòng tiểu thuyết xã hội. Thời đó, người ta gọi đó là trường phái dân túy, trước khi dòng văn học vô sản xuất hiện trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến. La Maternelle kể về cuộc gặp gỡ giữa một cô gái tư sản tạm thời sa sút và thế giới công nhân, đồng thời khắc họa tình cảnh bi đát về mặt tinh thần và thể chất của trẻ em: những dáng hình hốc hác, còi cọc, những gương mặt ốm yếu mang dấu vết của đòn roi, của những di chứng từ thói nghiện rượu, của công việc mà chúng đã được định sẵn cho đến chết và của sự thiếu không khí trong những căn hộ chúng chen chúc. "Các con đáng thương của tôi […] các con bốc mùi chua loét, mùi cáu bẩn, mùi quần áo giặt giũ không sạch sẽ", Rose than thở. Vì cô yêu trẻ, nên lũ trẻ cũng yêu cô và bám lấy váy cô, chúng, những đứa trẻ vốn không biết đến những lời nựng nịu và thường xuyên phải nhận những cái tát trời giáng. Một số đoạn văn làm tan nát trái tim người đọc. Ta thấy ở đó Emile Zola, dĩ nhiên, với những phép ẩn dụ chất phác như hình ảnh cây dẻ được trồng trong sân chơi, bị những bức tường vây kín và phải cắm rễ vào một mảnh đất Paris không có mùn. Giống như những đứa trẻ, nó sẽ lớn lên "không không khí, không hơi ấm, không dinh dưỡng". Và rồi Hugo, chắc chắn rồi, với những bức chân dung não nùng về những Gavroche và Cosette 5 tuổi với một tương lai mà tác giả đã lo sợ là được vạch sẵn, thân xác để lao động, thân xác để mua vui, thân xác để làm bia đỡ đạn. Có lẽ rủi ro ở đây là từ việc mô tả những người khốn khổ chuyển sang chủ nghĩa bi lụy và sa vào chủ nghĩa đạo đức Malthus khi tỏ ra phẫn nộ, giống như Rose, về việc những người phụ nữ nghèo sinh con liên tục, và về sự tàn bạo của những người đàn ông không dùng biện pháp phòng tránh. Một cái nhìn nhị nguyên và phiến diện về giai cấp bình dân, gớm ghiếc, bẩn thỉu và xấu xa, qua lăng kính của một chủ nghĩa từ thiện đạo đức hóa?
Tuy nhiên, cạm bẫy này đã được tránh khỏi vì Frapié chỉ đơn thuần mô tả chứ không rao giảng. Điều này cũng làm một số nhà phê bình khó chịu, họ tự hỏi mục đích của tác phẩm là gì. Nếu không có một bầu trời xanh ở phía xa, một chân trời quang đãng mà người đọc có thể bám víu vào như một lời hứa, thì cuốn sách thật đen tối, tuyệt vọng, không lối thoát. Germinal, câu chuyện bi thảm về một thất bại của giai cấp công nhân, ít nhất cũng kết thúc bằng lời tiên tri về một mùa gặt trong tương lai. Còn Hugo, ông có niềm tin vào một nền giáo dục cứu rỗi và giải phóng: "Hãy mở những ngôi trường, bạn sẽ đóng cửa những nhà tù!" Mặc dù có tình yêu của Rose dành cho những đứa trẻ của mình, La Maternelle buộc chúng ta phải đứng yên với đôi chân lún sâu trong một thực tại bùn lầy. Frapié rõ ràng không tin vào sự thăng tiến xã hội, cũng như không tin vào chế độ nhân tài của nền cộng hòa. Nhưng vậy thì, thất bại của một ngôi trường lẽ ra phải nâng đỡ và giải phóng trẻ em khỏi lớp vỏ cáu bẩn tăm tối để nâng chúng lên hàng những công dân có ý thức và trách nhiệm, đến từ đâu? Đối với Léon Frapié, những bài học được truyền dạy không phù hợp. Người ta dạy trẻ em vâng lời cha mẹ, những người luôn luôn đúng. Nhưng khi họ đánh đập con cái mình thì sao? Khi người cha ăn cắp hai đồng xu tiền ăn ở căng-tin của con gái mình để mua thuốc lá thì sao? Người ta dạy chúng về sự sạch sẽ. Nhưng khi phải sống bốn người trong một căn phòng áp mái thì sao? Người ta dạy chúng về sự tiết độ. Nhưng khi một người phụ nữ không có đủ tiền mua sữa, cô biết rằng một liều rượu absinthe sẽ làm những cái bụng rỗng ngủ yên với cùng một giá tiền. Giữa giáo dục và thực tế, có một vực thẳm. Và ngôi trường, hòn đảo của hòa bình và đức hạnh giữa một khu phố bạo lực và đồi bại vì nghèo đói, không thể một mình thay đổi xã hội. Một suy ngẫm vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Cái kết của tác phẩm cũng bi quan.
Khi Rose hỏi một người phụ nữ tại sao cô không cho con gái mình đi học nữa, người này đáp lại bằng cách chỉ trích những bài học đạo đức: "Nhưng những câu chuyện của các người không có thật! […] Điều quan trọng là có cái ăn… Tôi cũng đã từng đi học, điều đó có ngăn được tôi chết vì nghèo đói không?" Nền Cộng hòa đã nói dối chăng? Phải chăng nó đang duy trì sự cam chịu bằng cách truyền bá những giá trị xa rời thực tế xã hội? Các tờ báo cánh tả ủng hộ điều này và hoan nghênh Frapié. "Nó sặc mùi nghèo đói của Paris và sự bẩn thỉu của lũ trẻ, nó sắc bén, được ghi lại từ cuộc sống thực", Huysmans vui mừng nhận xét, người sẽ không ngần ngại bỏ phiếu cho Frapié. Vào đêm trước ngày trao giải, các nhà báo đưa ra dự đoán của mình. Trong một thời gian dài, Émile Guillaumin và tác phẩm Vie d’un simple (Cuộc đời một kẻ giản đơn) của ông đã dẫn đầu, nhưng sự xuất hiện của La Maternelle đã làm thay đổi tất cả. Ba ngày trước khi có kết quả, tờ báo văn học Le Gaulois đã đếm phiếu: sau nhiều bữa ăn tại Café de Paris, đại lộ Opéra - mười vị giám khảo đã rời nhà hàng Champeaux - chỉ còn lại bốn ứng cử viên. Ngoài Guillaumin và Frapié, Charles-Louis Philippe và Marius-Ary Leblond cũng có cơ hội. Nhưng bằng cách thu thập ý kiến của các giám khảo, tờ báo tin rằng có thể thông báo Frapié sẽ chiến thắng ở vòng hai, vì phiếu của Huysmans sẽ được tính gấp đôi trong trường hợp hòa phiếu, với tư cách là chủ tịch Viện hàn lâm. Octave Mirbeau cho biết ông ngưỡng mộ phong cách tự nhiên và tự phát của Guillaumin, nhưng ông cũng dự đoán rằng Frapié sẽ là người đoạt giải tương lai. Tối ngày 7 tháng 12, các nhà báo văn học kiên nhẫn cắm trại trước Café de Paris, bất chấp cái lạnh cắt da. Le Gaulois đã đoán đúng.
Sau vòng đầu tiên Frapié nhận được bốn phiếu, ông nhận được sáu phiếu ở vòng thứ hai và giành chiến thắng. Vào giờ hút xì gà và uống rượu mùi, một số nhà phê bình không thể kiên nhẫn hơn và đi tìm tin tức. Ban giám khảo không muốn bị những kẻ phiền phức quấy rầy trong lúc tiêu hóa, nên đã cho họ biết qua người quản lý nhà hàng rằng kết quả thảo luận của họ đang ở quầy thu ngân! Lúc đó gần 10 giờ tối, và chính cô thu ngân đã thông báo cho họ rằng giải Goncourt được trao cho Léon Frapié. "Không thể nào kém hàn lâm hơn được nữa", tờ Le Temps lịch sự nhận xét. Thực tế, khó có thể làm gì thờ ơ hơn thế. Tuy nhiên, giải Goncourt ít gây tranh cãi này lại là nguồn gốc của một cuộc tranh cãi nữ quyền. Tác giả của La Maternelle không liên quan gì đến việc này, ông là người thể hiện quan điểm bình đẳng của mình, nhưng Viện hàn lâm mới là bên bị chỉ trích. Thật vậy, một cuốn sách xứng đáng đã vượt qua tất cả các vòng họp, La Conquête de Jérusalem (Cuộc chinh phục Jerusalem), của Myriam Harry, cuối cùng đã bị gạt sang một bên vào ngày 7 tháng 12 năm 1904.
Karl-Joris Huysmans giải thích như sau: "Chúng tôi hẳn đã không ngần ngại trao giải cho La Conquête de Jérusalem; nhưng tác giả là một phụ nữ; chúng tôi thực sự không thể tạo ra một tiền lệ đáng tiếc như vậy."
Như vậy, văn chương cũng có giới tính, và Viện hàn lâm không hề có ý định trao giải cho một phụ nữ khi cô ấy cạnh tranh với những người đàn ông có tài năng ngang bằng. Tạp chí nữ giới có hình minh họa La Vie heureuse đã xúc động trước sự việc và quyết định trao một giải thưởng bằng cách tập hợp một ban giám khảo hoàn toàn gồm phụ nữ. Vào tháng 1 năm 1905, họ tất nhiên đã trao giải cho Myriam Harry, người bị loại khỏi giải Goncourt. Viện sĩ Léon Daudet đã chế giễu: "Những đánh giá của phụ nữ về văn học khác biệt và sẽ luôn khác biệt so với những đánh giá của nam giới." Do tính chủ quan được cho là vốn có trong giới tính của họ và sự đa cảm của họ, phụ nữ sẽ không có khả năng đánh giá một cuốn sách như một người đàn ông. Miễn bình luận! Giải Vie heureuse, được trao hàng năm, sẽ trở thành giải Femina từ năm 1922. Về phần giải Goncourt, phải đợi đến năm 1944 và Elsa Triolet thì giải thưởng danh giá nhất mới cuối cùng mở cửa cho phụ nữ.